Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ bảy, 26/08/2023 06:08
TMO - Tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng thay thế là một cách tiếp cận làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời giúp cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề cắt giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm bớt chi phí xử lý môi trường đảm bảo cho làng nghề phát triển bền vững.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
Trong thời gian qua, các cơ sở công nghiệp nông thôn tại làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa các vùng, miền; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Tuy nhiên, trong bối cảnh tại Việt Nam hiện nay, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết, tiềm năng, trữ lượng dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn, thì việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Theo đánh giá của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam. Đây là hướng phát triển bền vững cho các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tương lai.
Thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các làng nghề có thể sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng trong hoạt động sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch thị trường sang phân khúc sản phẩm có chất lượng cao hơn, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giảm các tác động có hại đối với môi trường.
Hoạt động sản xuất tại làng nghề Bát Tràng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas hiện đại.
Việc ứng dụng phương pháp sản xuất sạch hơn vừa giảm được chi phí sản xuất lại góp phần giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề. Điển hình như làng nghề gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề Bát Tràng. Dự án đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas hiện đại. Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Thành công của dự án này ở làng nghề Bát Tràng đã có sức lan tỏa rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia dự án thành công với việc chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với trên 8000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc tiết kiệm năng lượng tại các làng nghề không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm áp lực cung ứng điện, nhiên liệu, giảm đầu tư nguồn điện quốc gia. Để thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các làng nghề nói riêng, trong những năm qua, ngành Công Thương đã thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả như in phát miễn phí tờ rơi, sổ tay hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình, sổ tay hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh xây dựng phát sóng nhiều phóng sự, truyền thông bài viết về nhiều nội dung như mô hình sử dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện ở làng nghề, doanh nghiệp, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo....
Cơ sở sản xuất gỗ của nhiều hộ gia đình tại tỉnh Vĩnh Phúc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Những năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng. Một số máy móc, công nghệ mới đang được áp dụng như hệ thống trần thêu vi tính, hệ thống may công nghiệp tự động tại làng nghề bông vải sợi truyền thống thôn Gia (xã Yên Đồng, huyệnYên Lạc); máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC tại các làng nghề mộc; máy dập, máy đột, máy mài, máy phay, máy cắt gọt kim loại, cẩu tự hành ở các làng nghề rèn truyền thống xã Lý Nhân, làng nghề cơ khí vận tải Việt An (Vĩnh Tường)….Để tiết kiệm điện năng, nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã nâng cao mái nhà xưởng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, để giảm thiểu sử dụng bóng đèn chiếu sáng trong xưởng.
Cùng với giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo đánh giá của GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, môi trường làng nghề chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và với vị trí trách nhiệm của mình dù là chủ cơ sở sản xuất, các cán bộ quản lý chính quyền địa phương hay bà con dân cư sinh sống tại làng nghề đều có các hành động cụ thể, tích cực, góp phần từng bước ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, áp dụng kĩ thuật; sản xuất sạch hơn, đưa làng nghề Việt Nam phát triển bền vững.
Thanh Tùng
Bình luận