Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 03:10
Chủ nhật, 29/09/2024 07:09
TMO - Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Để đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Thành phố đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm tại nhiều địa điểm, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã của TP.Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn một số khó khăn. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, việc tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ…
Theo Sở Công Thương thành phố, hiện nay hạ tầng thương mại của TP.Hà Nội hiện nay được phát triển mạnh mẽ, với nhiều hệ thống phân phối lớn của các nước đầu tư, mở rộng (Aeon, Lotte, Fujimart, BigC…) và những doanh nghiệp phân phối lớn trong nước như Winmart, Coopmart… với 29 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.085 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trên 400 sàn thương mại điện tử... hàng năm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoảng 500.000 tấn sản phẩm nông sản, OCOP từ các tỉnh, thành phố phục vụ cân đối cung cầu trên địa bàn Thủ đô.
Sở Công Thương thành phố đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị. Ảnh: LT.
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổ chức hội chợ "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích". Hội chợ nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Sở tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Sở tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo một số HTX tổng hợp trên địa bàn huyện Mê Linh, mặc dù TP.Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của HTX chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. Ngoài ra, với một số đơn vị sản xuất bánh sữa, sữa chua trên địa bàn huyện Ba Vì cho biết, sản phẩm mới chỉ tiêu thụ qua các kênh cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là muốn vào hệ thống siêu thị phải mất phí mở mã vạch và phải ký gửi hàng hoá thanh toán theo từng đợt.
Trước thực tế này, Sở Công Thương đã và đang thực hiện nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội) gửi Sở NN&PTNT; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng.
Cùng với đó, Sở hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường. Về lâu dài, ngành công thương tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm; thông tin mời các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...), tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn Thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm.
Ngành chức năng thành phố đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố: OCOP là chương trình có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. TP.Hà Nội xác định công tác xúc tiến thương mại là then chốt để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả hơn; do đó cần thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy, kết nối, phát triển mở rộng thị trường sẽ giúp tiêu thụ tốt sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác truyền thông tuyên truyền về Chương trình OCOP, lồng ghép Chương trình OCOP với Chương trình xây dựng nông thôn mới, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP.
Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, TP luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức các sự kiện công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP TP, kết hợp trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội; tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng Nam bộ…
Ngoài ra, TP Hà Nội còn tổ chức đoàn công tác đi giới thiệu sản phẩm OCOP tại các chương trình xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài. Qua đó, sản phẩm OCOP TP Hà Nội đã được đông đảo người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Thành phố đã khai trương đi vào hoạt động 105 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP để phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao. Đến nay, chương trình OCOP đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025 phấn đấu có 10.000 sản phẩm.
Hiện nay, số lượng các sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với nhiều giải pháp.
Việc tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các kênh quảng bá, sẽ thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Kim Liên
Bình luận