Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ hai, 21/03/2022 20:03
TMO - Tại Việt Nam, lượng rác thải và bao bì nhựa được đưa đến bãi rác mỗi tuần luôn ở mức đáng báo động. Vì thế, cần nhanh chóng hoàn thiện những giải pháp nhằm thúc đẩy tái sử dụng trong nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Theo thống kê từ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, trong những năm qua, tại Việt Nam quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Năm 2020, Việt Nam đã có 862 đô thị, tăng 60 đô thị so với 2016; tổng dân số cả nước năm 2020 là 97,58 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 37%. Phát triển công nghiệp hiện chiếm hơn 30% GDP cả nước; Việt Nam hiện có 369 khu công nghiệp, 698 cụm công nghiệp, 4575 làng nghề; cơ sở sản xuất lớn nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm 2% cả nước nhưng trên 30% tổng sản lượng toàn quốc.
Rác thải nhựa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng cùng với tốc độ đô thị hóa
Một thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, chất thải rắn đô thị phát sinh ở Việt Nam ước khoảng 28 triệu tấn và dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73%). Điều đáng quan ngại là hiện phần lớn chất thải của Việt Nam đang được xử lý bằng chôn lấp.
Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng được cảnh báo như trên, việc tìm giải pháp để hướng đến tái sử dụng, tái nạp, thực hiện kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Các quốc gia trên thế giới cũng xác nhận, kinh tế tuần hoàn là một chính sách trọng tâm và đang xây dựng các mục tiêu và khuôn khổ báo cáo để định hướng chiến lược và đầu tư.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định một số nội dung về kinh tế tuần hoàn. Theo dự kiến, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao, có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia.
Nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các chuyên gia tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Phát triển công nghệ, kỹ thuật để thực hiện tái sử dụng rác thải nhựa được xác định là giải pháp quan trọng
Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, khuyến khích phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Hồng Thắm
Bình luận