Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 02/12/2022 02:12
TMO - Tại Việt Nam, đô thị thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp. Trong những năm vừa qua, lãnh đạo các đô thị và các doanh nghiệp công nghệ đã rất nỗ lực phát triển các đô thị thông minh.
Tại Nghị quyết 06 – NQ/TW, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn, cần có nguồn lực để triển khai. Cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan Trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu...
Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của Bộ TT&TT, các địa phương chủ yếu tập trung vào phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số. Chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… Do đó, có những chỗ hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân.
Thời gian qua, đã có 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.
Thời gian qua, Cục Chuyển đổi số quốc gia thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh Việt Nam phiên bản 1.0. Dự kiến trong năm 2023 sẽ nghiên cứu, tham mưu, trình Bộ ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 2.0.
Chuyên gia hàng đầu về đô thị thông minh và chuyển đổi số Việt Nam, tại cho rằng: Trong phát triển đô thị thông minh cần cấy gen “3Q” vào các đô thị, bao gồm Quy hoạch thông minh; Quy chế (phải thuận lợi, mới, khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc) và Quy chuẩn (phải có chuẩn, chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số).
Trong khuôn khổ của Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2022 đang diễn ra, hạ tầng công nghệ và các giải pháp công nghệ xây dựng các khu đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận xuyên suốt, trong đó những quan điểm và mô hình đô thị thông minh, cùng giải pháp phát triển, quy hoạch và quản lý dựa trên điều kiện thực tế của các thành phố và nền tảng công nghệ mới: IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo…được chia sẻ giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp.
Phát triển đô thị thông minh được kỳ vọng sẽ giúp các thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh. 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh. 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh. Khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng được giao tại Đề án 950 như: Ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0; Công bố bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 phiên bản 1.0; Hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở; Hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ phiên bản 1.0; Hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trong năm 2020.
Thanh Nga
Bình luận