Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ năm, 23/11/2023 07:11
TMO - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội chú trọng phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường Thủ đô, phát triển các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60-70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50-60 % nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60-70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40-50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60-70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20-30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Đồng thời, phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của Thành phố về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.
Thành phố Hà Nội chú trọng phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa).
Để hoàn thành các mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội giao các Sở, ngành chức năng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố; phát triển dịch vụ môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Trong đó, đối với mục tiêu kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường: Ngành chức năng thành phố sẽ tiến hành rà soát các doanh nghiệp công nghiệp môi trường và đề xuất quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và phát triển các dự án công nghiệp môi trường: Dự án sản xuất máy móc thiết bị, vật tư ngành môi trường, xử lý chất thải, nước cấp; dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có công nghệ thu hồi và lưu giữ cac-bon thấp; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng thu hồi từ xử lý chất thải; dự án tái chế, tái sử dụng chất thải.
Hỗ trợ việc chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ để sản xuất thiết bị và sản phẩm bảo vệ môi trường có hàm lượng công nghệ cao. Hỗ trợ phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường; quan trắc môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm.
Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp môi trường đầu tư trên địa bàn Thành phố để sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn như: Xe chuyên dùng phun nước, quét và hút rác; xe chở chất thải rắn, xe hút bùn, thông cống, thiết bị phân loại rác, lò đốt chất thải rắn thông thường, lò đốt chất thải nguy hại, dây chuyền làm phân vi sinh, dây chuyền thiết bị sản xuất viên nén năng lượng, thiết bị xử lý chất thải trên các loại phương tiện giao thông.... Sản xuất thiết bị xử lý nước thải, khí thải như: Thiết bị lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, thiết bị xử lý khí thải chứa các hợp chất NOx, SOx, COx, VOCs, H2S, chất hữu cơ, chất gây mùi, máy bơm đặc chủng công suất lớn, thiết bị xử lý nước sinh hoạt, xử lý nước thải theo modul... Sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường như: Xúc tác sử dụng trong xử lý khí lò đốt công nghiệp, xử lý chất thải bằng phương pháp nhiệt phân và quy trình, thiết bị tương ứng, chế phẩm vi sinh hoạt tính cao, vật liệu mang vi sinh, vật liệu chuyên dụng phục vụ xử lý môi trường…
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn 2017-2022, thành phố đã xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 90 hồ nội thành; xây dựng 6 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300m3/ngày - đêm, đã xử lý được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được thực hiện tốt, 100% khu công nghiệp và 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung. Về rác thải, đến nay, khu vực ngoại thành đã thu gom 95-100% chất thải sinh hoạt; khu vực nội thành có tỷ lệ thu gom đạt 100%; xử lý chất thải nguy hại đạt 99%...
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác bảo vệ môi trường của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như chất lượng nước mặt sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy chậm cải thiện; nồng độ bụi trong môi trường không khí tại nhiều khu vực còn vượt tiêu chuẩn cho phép; nước thải sinh hoạt phần lớn chưa được thu gom, xử lý; mạng lưới thu gom, thoát nước thải còn chưa đồng bộ và hoàn thiện...
hát triển sản xuất thiết bị và sản phẩn đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công nghiệp môi trường. Ảnh: TTX.
Trước những yêu cầu về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của ngành Công nghiệp môi trường đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều quy định chi tiết phát triển ngành Công nghiệp môi trường.
Phát triển ngành công nghiệp môi trường được quy định theo Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020. Theo khoản 1 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phát triển công nghiệp môi trường thì, ngành công nghiệp môi trường được quy định như sau: "Công nghiệp môi trường là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường".
Theo mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đến năm 2025 yêu cầu: Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩn đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70-80% nhu vầy thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 – 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải…; 60- 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường, thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả…; xuất khẩu được 20 – 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Trong Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 Chính phủ cũng đã đã đưa ra yêu cầu về hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thu hút đầy tư phát triển thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước; lồng ghép phát triển ngành công nghiệp môi trường và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc qua, vùng và địa phương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường…Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thể thực hiện phát triển ngành công nghiệp môi trường và từ các nguồn hợp pháp.
Tuy nhiên, đến nay năng lực xử lý cung ứng dịch vụ môi trường nước ta mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển. Chưa có chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Vì thế, doanh nghiệp công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ.
Từ thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế cần thiết phải có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của mỗi người dân, doanh nghiệp và chính quyền từng địa phương, bộ, ngành. Phát triển dịch vụ môi trường sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.
Hiếu Lê
Bình luận