Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ năm, 24/08/2023 14:08
TMO - Công tác quản lý, sử dụng đất nguồn gốc nông, lâm trường tại một số địa phương trên cả nước vẫn còn một số hạn chế như: lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp...
Các nông, lâm trường quốc doanh là tổ chức kinh tế Nhà nước được hình thành và phát triển trên 60 năm, được Nhà nước giao đất để quản lý và sử dụng diện tích đất rừng khá lớn vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp. Trải qua quá trình hoạt động, các nông, lâm trường quốc doanh này đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Việc quản lý, sử dụng đất đai đã có những chuyển biến tích cực; nhiều nông, lâm trường đã bước đầu làm rõ hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai; đã lập phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch 3 loại rừng và bàn giao một phần đất về cho địa phương giao cho các tổ chức, hộ gia đình - cá nhân sử dụng, góp phần giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân; một số ít công ty nông, lâm nghiệp, tổ chức khác thực hiện giao khoán đất có hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm trường tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi ở nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện được việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất đai và rừng; hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý sử dụng để quản lý đất còn thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai.
Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp như: bị lấn chiếm; cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái phép; giao khoán không đúng đối tượng; để hoang hóa…; còn xảy ra việc sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, bị bỏ hoang; còn có biểu hiện vi phạm pháp luật đất đai với nhiều hình thức khác nhau chưa được xử lý dứt điểm.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 7/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và các Bộ, ngành thực hiện.
Công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường tại một số địa phương còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ nâng cao hiệu quả quản lý.
Tại tỉnh Sơn La, các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh được hình thành từ những năm 1954, gồm 4 nông trường, 7 lâm trường, tổng diện tích khoảng 42.300ha. Sau quá trình rà soát, sắp xếp, đến nay, toàn tỉnh còn 8 đơn vị, với tổng diện tích đất trên 36.000 ha; trong đó, 17.462,6 ha đất các công ty, nông, lâm nghiệp và các tổ chức khác giữ lại tiếp tục sử dụng; khoảng 18.516,8ha đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về cho huyện quản lý.
Tuy nhiên, theo đánh giá tổng kết của ngành chức năng công tác quản lý, sử dụng đất nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: Do nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ đo khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, chưa rà soát, xác định được từng loại đất chi tiết; không phản ánh đúng hiện trạng, không tách được các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp, đất ở xen kẽ của các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi diện tích đất đã giao cho các tổ chức, nên các hộ dân đã tự trồng trọt, canh tác và lấn, chiếm của các nông, lâm trường.
Nhiều công trình được xây dựng sau ngày 1/7/2014 không phù hợp với quy hoạch, giá trị tài sản lớn, nếu phá dỡ thì các hộ không đồng tình, vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất nông lâm trường và vi phạm do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (đặc biệt sau ngày 1/7/2014) chưa có quy định xử lý. Diện tích đất bàn giao về địa phương là đất trước đây nông trường, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp... (không phải là đất sạch) nên rất khó khăn khi xác định đối tượng, diện tích để giao, cho thuê; nhiều trường hợp đã thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng đất nhận giao khoán. Từ đó, việc thu hồi đất của đối tượng này để phân bổ lại cho các đối tượng ưu tiên rất khó khăn, phức tạp…
Tại tỉnh Hòa Bình, thống kê của ngành chức năng tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 13.226,87 ha đất do 6 công ty nông lâm nghiệp quản lý. Việc quản lý, sử dụng đất của các công ty có nhiều khó khăn, vướng mắc như: hiệu quả quản lý không cao, còn xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích... Khó khăn lớn nhất vẫn là thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại các huyện, thành phố.
Ngoài vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh còn một số vướng mắc. Một số vị trí chưa thống nhất được ranh giới, diện tích giữ lại và trả về địa phương Trong đó, các công ty nông lâm nghiệp chưa thực hiện được việc bóc tách diện tích sử dụng cho các mục đích như diện tích cho thuê, diện tích không phải thuê đất để làm căn cứ ký hợp đồng thuê đất; chưa rà soát, thống nhất được ranh giới, mốc giới sử dụng đất với chính quyền địa phương ở một số điểm đang chồng lấn, tranh chấp...
UBND tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cơ quan, đơn vị chưa tập trung, sâu sát trong công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường. Hơn nữa, đây cũng là những vấn đề do lịch sử để lại. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, vướng mắc này là do việc buông lỏng quản lý trong một thời gian dài tại một số địa phương và các nông, lâm trường. Dẫn đến nhiều diện tích đất khó xác định được đối tượng sử dụng do mua bán, chuyển nhượng nhiều lần; nhiều trường hợp xây dựng nhà ở trái phép, không phù hợp với quy hoạch nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó khăn, chậm thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với đất có nguồn gốc nông,lâm trường...
UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở TN&MT lập đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ quy định nội dung công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang sử dụng ổn định đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường sử dụng ổn định, lâu dài theo Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 4/1/1995, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 8/11/2005 và các nghị định sửa đổi về quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh vào mục đích nông nghiệp theo hạn mức và quy định của địa phương.
Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn, xử lý đối với trường hợp diện tích đất của các công ty nông lâm nghiệp đã bàn giao về cho địa phương quản lý, nhưng các hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình, nhà ở... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện, thành phố có quỹ đất nông,l lâm trường trả về cho địa phương quản lý khoảng 14.157,35 ha đã được UBND tỉnh rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Sơn La đang tập trung hoàn thiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP (Ảnh minh họa).
Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Đề án "Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng" (Đề án 32) gửi xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo để thẩm định, phê duyệt Đề án 32 trong tháng 8/2023; thành lập các tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án và công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Mai Sơn. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý 23 trường hợp vi phạm về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, với tổng số trên 514 triệu đồng. Thời gian tới, UBND tỉnh rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; xác định rõ phần đất các công ty giữ lại, phần đã bàn giao về địa phương.
Công khai phương án sử dụng đất để người dân được biết trước khi trình phê duyệt; tích hợp dữ liệu địa chính với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai; thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao hoặc dự kiến bàn giao về cho địa phương, không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật...Tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Mục đích của Nghị quyết là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đạt hiệu quả cao nhất, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất: Về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, trong giai đoạn 2023 - 2025, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, việc quản lý sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, việc quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao về địa phương...
Đức Cường
Bình luận