Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ bảy, 08/10/2022 11:10
TMO - Việc triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái được xem là một trong những nội dung phát triển năng lượng xanh, sạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua rà soát tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập, trong đó có 10 khu công nghiệp với 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã cấp hơn 1.777 Giấy chứng nhận đầu tư dự án (trong nước là 565, FDI là 1.212) với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23.112,69 triệu USD. Hiện nay các Khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng 320.121 lao động, trong đó lao động nước ngoài là 6.581 người.
Sở Công Thương Bắc Ninh Phạm Khắc Nam, toàn tỉnh có 3 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 1.500 MVA; 26 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 2.929 MVA; 4.744 máy biến áp phân phối với tổng dung lượng 3.108.265 kVA. Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 493 tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt đạt 20.423 kWp.
Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái hiện nay chiếm 0,6% tổng nguồn cung cấp điện năng của tỉnh. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đều lắp đặt phục vụ nhu cầu sử dụng tự dùng, sau đó sản lượng dư thừa mới bán cho ngành điện. Các hệ thống điện mặt trời được đưa vào vận hành giúp cung cấp một phần điện tự dùng cho tiêu dùng, sản xuất; tăng cường tiết kiệm năng lượng điện giảm nhu cầu sử dụng năng lượng truyền thống và đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính.
Trước nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh tập trung tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp (Ảnh minh họa)
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong phát triển điện mặt trời áp mái, Sở Công Thương tỉnh đề nghị các đơn vị cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng: Lập thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp phép xây dựng (nếu có) và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư, điện lực, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định có liên quan.
Trước đó, liên quan đến việc lắp đặt điện mặt trời áp mái với mục đích tự dùng tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý các KCN tỉnh đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các KCN thực hiện kiểm tra, rà soát, lập danh sách báo cáo về các doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư, lắp đặt điện mặt trời thuộc phạm vi KCN của mình.
Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN nếu đang triển khai đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái phải dừng ngay thi công tại công trường. Với các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư, các doanh nghiệp đã lắp đặt hoàn thành, đang hoạt động điện mặt trời mái nhà phải báo cáo cụ thể về quy mô, thông số dự án, tình hình thực hiện.
Theo lý giải của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, sau khi rà soát thực tế, tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái khi chưa được các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cấp phép, tại thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về công trình điện mặt trời mái nhà của cơ quan chức năng.
Hiện nay, sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những hướng phát triển mang tính bền vững đã được Thủ tướng cam kết tại COP26. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa và cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ký ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năng lượng mặt trời được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo rất có tiềm năng và rất có triển vọng, điều này đã liên tục được thể hiện trong các dự thảo về Quy hoạch điện VIII. Đặc biệt, trong bản dự thảo mới nhất, điện mặt trời được kỳ vọng chiếm đến 16,87% so với tổng công suất nguồn dự kiến lắp đặt vào năm 2025 là 102.193 MW.
Đức Minh
Bình luận