Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ tư, 19/07/2023 14:07
TMO - Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam…
Giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương của Đảng, có những bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục.
Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam…
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tái cơ cấu quản trị ngành điện để giảm chi phí tối ưu không chỉ là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà của tất cả các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh điện, doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể quản trị kém dẫn đến giá bán điện cao. Giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng với chi phí phân phối và dịch vụ phụ trợ, điều hành và lợi nhuận định mức.
Trong giai đoạn 2016-2021, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành điện nói riêng, nhiều đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm định hướng, thúc đẩy sự phát triển của ngành điện và đáp ứng đồng bộ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, có thể kể đến một số chủ trương, đường lối, chính sách trọng tâm của Đảng và Nhà nước về năng lượng như: Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị khoá XII về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ để phát triển thị trường điện và điều hành giá điện phù hợp với bối cảnh mới trong thời gian tới.
Cần khắc phục những bất cập về chính sách giá điện, thị trường điện bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, chính sách giá điện, thị trường điện cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, như việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý; việc hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh triển khai chậm; cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện;...
Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng. Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện. Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn một số bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện…
Hiện nay, giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương nghiên cứu và từng bước hoàn thiện đảm bảo ngành điện hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo công tác đầu tư phát triển điện lực được liên tục và hiệu quả với quan điểm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu như: Giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.
Cụ thể là sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá gồm Chính phủ, đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN). Bổ sung quy định về chính sách giá điện: giá bán lẻ điện theo vùng miền, giá phản ánh chi phí bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng.
Bộ Công Thương cho rằng, vẫn phải tiếp tục điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, vì dù có hình thành thị trường bán lẻ điện, Nhà nước vẫn phải kiểm soát. Giá năng lượng, giá điện luôn được Trung ương xác định phải theo thị trường, dần dần xóa bỏ bù chéo. Cơ cấu ngành Điện thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát, kiểm soát ở mức độ nào để tăng cạnh tranh, minh bạch là quan trọng.
Hiện đã có Luật Điện lực, Luật Giá đây là hai luật quan trọng nền tảng cho quản lý các chi phí của ngành điện. Tới đây sẽ tiếp tục phải sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hoá điều hành giá điện chứ không để ở mức quyết định của Thủ tướng, luật hoá các quy định về thị trường điện. Bộ Công thương cũng đề xuất xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung Luật tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, do vậy các ngành chức năng cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đức Thành
Bình luận