Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 15:04
Thứ sáu, 11/04/2025 12:04
TMO - Nhằm tạo bước đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý chăn nuôi, dịch bệnh và chăm sóc vật nuôi.
Năm 2024, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 7.710 tỷ đồng vượt 7,7% kế hoạch, chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.255 trang trại chăn nuôi, trong đó có 183 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Những năm trở lại đây, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi. Cụ thể, sử dụng máy vi tính thay cho sổ sách ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi (thức ăn, thuốc thú y, vắc - xin); tự động hóa trong cung cấp nước uống, máng ăn, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng trại, tình hình sức khỏe, dịch bệnh của vật nuôi, bằng công nghệ thông minh (điện thoại, camera kết nối internet). Nhiều hộ dân đã sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho trang trại; điện khí sinh học, tia UV để khử khuẩn...
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, chủ yếu là sử dụng hệ thống chuồng kín (chuồng lạnh), hệ thống silo chứa thức ăn và kết nối đến các máng ăn tự động; ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải, chất thải chủ yếu là sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng Bioga hoặc đệm lót sinh học, men vi sinh. Ngoài ra, nhiều trang trại đã sử dụng thiết bị đeo thông minh cho vật nuôi để theo dõi sức khỏe, hoạt động và tình trạng sinh sản của vật nuôi…
Tại nhiều trang trại trên địa bàn xã Dương Thành (huyện Phú Bình), ngoài việc phủ sóng wifi cho khu vực sản xuất giống gia cầm của gia đình, các hộ chăn nuôi còn xây dựng đồng bộ, khép kín hệ thống chuồng trại và trang bị đầy đủ quạt thông gió, hút mùi, đèn chiếu sáng… Bên cạnh đó, cài đặt, kết nối để vận hành toàn bộ hệ thống chuồng trại thông qua điện thoại thông minh. Nhờ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất (tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện) và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe vật nuôi qua các thiết bị cảm biến giúp cho người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng. Việc áp dụng mức độ giảm thiểu dịch bệnh tại các trang trại sử dụng công nghệ giám sát đã tăng khả năng phòng dịch cho đàn vật nuôi lên 25% so với các trang trại không áp dụng.
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý dịch bệnh đối với đàn vật nuôi.
Bên cạnh việc quản lý môi trường nuôi, các trang trại chăn nuôi tại Thái Nguyên còn tích cực ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng hệ thống chuồng kín (chuồng lạnh) ngày càng trở nên phổ biến, giúp kiểm soát tốt các yếu tố bên trong chuồng, bảo vệ vật nuôi khỏi các tác động tiêu cực của thời tiết và dịch bệnh. Hệ thống silo chứa thức ăn và kết nối đến các máng ăn tự động không chỉ giúp tiết kiệm diện tích mà còn đảm bảo việc cung cấp thức ăn cho vật nuôi được diễn ra một cách liên tục và hiệu quả.
Công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng được các trang trại đẩy mạnh triển khai và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Hệ thống xử lý chất thải bằng Bioga không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo có giá trị. Bên cạnh đó, việc sử dụng đệm lót sinh học và men vi sinh cũng là những giải pháp hiệu quả trong việc xử lý chất thải, tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ và an toàn.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh, các ứng dụng chăn nuôi thông minh giúp giám sát và phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe vật nuôi, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. Việc áp dụng các phần mềm quản lý chuồng trại, quản lý chăn nuôi, phần mềm giám sát sức khỏe vật nuôi đã giúp giảm bớt công việc thủ công, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu sai sót trong việc chăm sóc vật nuôi.
Để đạt mục tiêu về hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030.
Cụ thể, UBND tỉnh đặt mục tiêu chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô lớn sử dụng chuồng trại với trang thiết bị hiện đại đạt 70%; trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm có chuồng kín đạt 70%; áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi và xây dựng công trình khí sinh học các loại của hộ chăn nuôi ở mức tối đa; tổng lượng chất thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý, tận dụng cho các mục đích khác nhau đạt mức cao nhất.
Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong việc xử lý chất thải chăn nuôi và quản lý chất thải chăn nuôi theo hướng phòng ngừa chủ động. Ứng dụng mới công nghệ về quy trình chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa. Nâng cao năng lực, áp dụng các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn vào chăn nuôi. Đổi mới hệ thống chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi hữu cơ, tuần hoàn tại các địa phương nhằm mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính. Áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại các trang trại, áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải hữu cơ cho các mục đích khác nhau theo hướng thân thiện với môi trường giảm thiểu tối đa lượng phát thải ra ngoài môi trường tại các trang trại. Chuyển hóa chất thải chăn nuôi thành mô hình sản xuất phân bón hữu cơ hoặc mô hình nuôi côn trùng, sinh vật làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi.../.
Ngọc Hà
Bình luận