Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ sáu, 06/10/2023 14:10
TMO - Xác định mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp của khu vực trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đang tập trung nỗ lực giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất công nghiệp trên địa bàn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bắc Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, những năm gần đây ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về hoạt động sản xuất, kinh doanh, kho vận…Hiện nay tỉnh Bắc Giang đang có 09 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 1.967ha. Trong đó, có 06 KCN đã thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp với 466 dự án đầu tư (có 351 dự án FDI và 115 dự án DDI).
Hiện có 409 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng trên 175.000 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh này. Cụ thể, năm 2022 kinh tế của tỉnh Bắc Giang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước.
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh đầu tiên của cả nước, trong đó Bắc Giang quy hoạch đến năm 2030 có 29 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất khoảng 7.000ha. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 49 dự án FDI và 06 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.300,69 triệu USD và 824,85 tỷ đồng.
Bắc Giang tiến tới thành lập 5KCN, qua đó tạo thêm quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh.
Việc thành lập thêm các khu công nghiệp nhằm tạo thêm quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Theo đó, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX thông qua 5 Nghị quyết về xây dựng các khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Nghĩa Hưng Khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 2, huyện Hiệp Hòa Khu công nghiệp Tiên Sơn - Ninh Sơn, huyện Việt Yên khu xây dựng Khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa Khu công nghiệp Đức Giang, huyện Yên Dũng
Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh Bắc Giang) cho biết, qua đợt giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022 cho thấy tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu, CCN chậm dẫn đến “quỹ đất công nghiệp sạch” không còn nhiều, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Để giải quyết các vướng mắc trên, UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá và sẽ tổ chức hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ gắn với giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Cùng đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chủ động kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu, CCN; thường xuyên rà soát, kiểm tra tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng để sớm có quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cần tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung cao cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) phần diện tích còn vướng mắc. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan đầu mối), phối hợp với UBND các huyện, thành phố; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh thưc hiện đồng bộ các giải pháp tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai năm 2023 góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023.
Chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh là chỉ số quan trọng trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI), góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn. Việc thực hiện chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm được bàn giao đất, mặt bằng sạch để xây dựng các công trình hạ tầng, đầu tư dự án.
Năm 2022, nhiều địa phương có điểm chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh đạt cao như: Lạng Giang 8,33 điểm, Việt Yên 7,08 điểm, Lục Nam 6,49 điểm… Đặc biệt, năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất thuộc bộ chỉ số PCI tăng 14 bậc so với năm trước với 7,09 điểm. Mặc dù chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh được cải thiện song vẫn còn tình trạng doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác bồi thường, GPMB mất nhiều thời gian do chính quyền địa phương chưa quyết liệt. Nhiều dự án GPMB tiến độ còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.
Sở TN&MT Bắc Giang cho biết, để cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất của tỉnh, Sở đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 12 thủ tục hành chính. Trong đó, điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất giảm 20 ngày so với trước đây. Thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu giảm 10 ngày. Thời gian thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư giảm 5 ngày.
Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch triển khai xây dựng KCN được các địa phương chú trọng triển khai. Ảnh: TN.
Trong năm 2023, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng điểm chỉ số “Tiếp cận đất đai” mục tiêu đạt trên hoặc bằng 7,35 điểm. Rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung đơn giản hoá, trọng tâm là rút ngắn quy trình, thời gian xử lý, giảm số lượng hồ sơ, đơn giản hoá nội dung hồ sơ. Công khai, minh bạch các TTHC về đất đai, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu, đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Xây dựng cơ chế tạo quỹ đất dự trữ, tạo quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý (thông qua Trung tâm Phát triển quỹ đất), nhất là đối với các khu đất nằm trong quy hoạch điểm công nghiệp, dịch vụ, các khu đất quy hoạch dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, các khu đất có giá trị thương mại cao, nhằm gia tăng giá trị đất và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo hướng công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu giá, đầu thầu.
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ và thời gian xác định giá đất cụ thể đối với các dự án đầu tư; kịp thời tham mưu điều chỉnh giá đất trên địa tỉnh sao cho phù hợp với diễn biến thay đổi của thị trường và quy định pháp luật. Tăng cường đối thoại theo chuyên đề về lĩnh vực đất đai để hướng dẫn cho doanh nghiệp cách thức tiếp cận quỹ đất được thuận lợi, đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là pháp luật đất đai; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đến doanh nghiệp...
Hồng Thái
Bình luận