Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ năm, 15/02/2024 06:02
TMO - Tiền Giang là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn trong việc phát triển các vùng chuyên canh dừa. Vì vậy tỉnh này đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm dừa bền vững.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay diện tích trồng dừa của tỉnh ngày càng tăng với hơn 21.600 ha, diện tích cho sản phẩm là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng đạt 244.115 tấn/năm, cây dừa được phân bố từ huyện Cái Bè đến huyện Tân Phú Đông. Trong đó, diện tích trồng tập trung tại huyện Chợ Gạo là 7.335 ha, Châu Thành là 4.655 ha, Tân Phú Đông là 2.695 ha, Gò Công Tây là 2.381 ha. Thu nhập kinh tế từ cây dừa mang đến cuộc sống ổn định cho người dân nên diện tích trồng lẫn sản lượng dừa tại Tiền Giang ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ.
Những năm gần đây ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã tích cực đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao để hạn chế sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt, tăng năng suất thu hoạch trên cây dừa. Bên cạnh đó áp dụng các tiến bộ KH&CN ngành công nghiệp chế biến dừa ở Tiền Giang cũng có bước tiến bộ vượt bậc. Công nghệ chế biến đổi mới đã giúp đa dạng hoá, nâng cao chất lượng dừa thành phẩm.
Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang có 141 cơ sở và 3 doanh nghiệp chuyên thu mua, sơ chế, gia công dừa dưới dạng bán tươi uống nước và dừa khô. Sản lượng xuất khẩu cơm dừa sang thị trường nước ngoài đạt 1,2 - 4,6 tấn/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,8 - 10,6 triệu USD/năm. Cơ cấu giống dừa tại Tiền Giang gồm 02 nhóm là nhóm dừa lấy dầu (chiếm 40,3%) và nhóm dừa uống nước (chiếm 59,7%).
Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, sản xuất dừa để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.(Ảnh minh hoạ).
Thông qua các chương trình tập huấn, xây dựng mô hình, dự án khuyến nông, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dừa cho người dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, định hướng phát triển dừa và các thành phẩm từ dừa theo hướng bền vững.
Các mô hình như “Giải pháp phục hồi vườn dừa sau thời gian hạn mặn” quy mô 6ha/13 hộ; mô hình “Dừa đạt chuẩn GlobalGAP”, 10ha/7 hộ; mô hình “Dừa đạt chuẩn VietGAP”, 16,7ha/21 hộ, “Sản xuất dừa theo hướng hữu cơ gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” được thực hiện với quy mô 60ha/51 hộ…đã mang lai hiệu quả rất lớn, các mô hình này đã tập trung hướng dẫn người dân cách chăm sóc, duy trì và phát triển dừa theo hướng ổn định, đảm bảo chất lượng, an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng.
Tỉnh Tiền Giang chú trọng lựa chọn, nghiên cứu giống dừa có năng suất, chất lượng sinh trưởng ổn định, kháng bệnh tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ để đưa vào sản xuất. Xây dựng và nhân rộng các mô hình/dự án ứng dụng công nghệ cao và chuyên canh hữu cơ trong trồng, sản xuất dừa.
Địa phương này tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các HTX sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa; đồng thời khuyến khích mời gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trong ngành nông nghiệp, nông thôn nói chung và sản phẩm từ dừa nói riêng.
Trong số các khu vực trồng dừa tại Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có diện tích trồng dừa lớn nhất toàn tỉnh. Địa phương này hiện đã có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP. Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Chợ Gạo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 và các năm tiếp theo sẽ định hướng phát triển dừa theo quy mô tập trung, chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo phối hợp cùng các địa phương đã tổ chức 85 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân vùng chuyên canh với các nội dung chính như yêu cầu, lợi ích, quy trình trồng dừa hữu cơ. Đây là hướng đi mới của địa phươpng nhằm phát huy tiềm lực đất đai, lao động và thế mạnh vùng chuyên canh dừa, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định và nâng cao mức sống.
Thời gian tới, tỉnh Tiềng Giang sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm từ dừa; đồng thời khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sử dụng các sản phẩm chế biến từ dừa. Về lâu dài, tỉnh Tiền Giang đặt mực tiêu thực hiện liên kết hình thành vùng nguyên liệu dừa, vừa phát huy hiệu quả của khoa học công nghệ, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, đảm bảo cho ngành công nghiệp chế biến thành phẩm dừa phát triển ổn định bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu Uyên
Bình luận