Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ năm, 08/09/2022 04:09
TMO - Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân làm chủ gian hàng trên sàn thương mai điện tử; phát triển nông sản gắn với du lịch... là những giải pháp cốt lõi để khơi thông tiêu thụ, nâng giá trị cho nông sản Việt nói chung đặc biệt là nông sản ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Trong những năm qua, cùng với Sơn La, Quảng Ninh, thì Bắc Giang cũng là một trong những địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang ông Phạm Công Toản cho biết, từ năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Từ đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ. Cùng với đó, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn). Đồng thời, rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có; cấp mã số vùng trồng mới và số hoá vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp...
Nhằm ổn định đầu ra cho nông sản, tỉnh Quảng Ninh duy trì thực hiện chương trình OCOP. Ảnh: Duy Thái.
Tại tỉnh Quảng Ninh, để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết sau 10 năm thực hiện chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"), sản phẩm OCOP đã xây dựng được thương hiệu, đã giúp cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn sản phẩm và đầu ra ổn định.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 499 sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh thực sự tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng và thị trường.
Với khí hậu và thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền khác nhau, theo bốn mùa trong năm. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiêp khi tiếp cận nông sản, đặc sản vùng nông thôn miền núi là do công nghệ chế biến còn hạn chế, gây khó cho tiêu thụ do thời gian bảo quản ngắn.
Bên cạnh đó, do đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu miền núi phía Bắc khắc nghiệt nên tính phân biệt mùa vụ rất rõ nét. Vì vậy, các sản phẩm chỉ tập trung và thu hoạch vào thời gian ngắn 1-2 tháng dẫn đến việc lên kế hoạch, triển khai bán hàng tới các địa phương bị ảnh hưởng.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hai chương trình gắn kết chặt chẽ với đồng bào dân tộc, miền đó là Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030; Thực hiện nhóm nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia đó là Hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, sẽ có nhóm giải pháp để hỗ trợ kết nối cung cầu đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền. Ngoài ra, sẽ xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó đặc biệt quan tâm tới hệ thống phân phối của Bưu điện Việt Nam.
Hiện nay, với mạng lưới gần hàng chục nghìn điểm bưu điện đang trở thành điểm thu mua nông sản các địa phương để mang về cho các địa bàn khác. Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, Bộ Công Thương còn tập trung vào điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng.
Cùng với những giải pháp từ các cấp lãnh đạo, các địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp khơi thông thị trường tiêu thị, nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, đối với công tác tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang xác định tiếp tục đa dạng hóa, linh hoạt thị trường tiêu thụ; trong đó coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu, có sự chủ động, linh hoạt điều phối cơ cấu, phân bổ thị trường tiêu thụ hợp lý.
Đối với thị trường trong nước, các ban, ngành trên địa bàn sẽ thường xuyên kết nối với các Tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân trong cả nước để bao tiêu, tiêu thụ nông sản của tỉnh đến kỳ thu hoạch.
Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam tại các nước và của các nước tại Việt Nam để tổ chức tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản tại các thị trường, trong đó luôn coi trọng thị trường truyền thống như Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm khơi thông xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore....; mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sâu nhằm nâng cao hơn nữa giá trị nông sản địa phương
Hiện nay nông sản của tỉnh Bắc Giang chủ yếu bán trên thị trường dưới dạng thô, quả tươi hoặc qua sơ chế cả trong nước và xuất khẩu, chưa được chế biến sâu để gia tăng giá trị kinh tế và kéo dài thời gian tiêu thụ nông sản. Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu, môi trường đầu tư, để đầu tư các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm.
Bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như khuyến công, tiết kiệm năng lượng, xúc tiến thương mại, tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, trang bị máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tại Quảng Ninh, địa phương này đang đẩy mạnh gắn kết giữa du lịch và xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ nông sản. Hàng năm, Quảng Ninh thu hút trên 10 triệu du khách có nhiều tiềm năng cho tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cũng như xuất khẩu. Quảng Ninh cũng đặc biệt thuận lợi là sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch, có nhiều sản phẩm làng quê, sản phẩm đường biên, thuận lợi cho sự gắn bó giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Khu vực nông thôn, miền núi Việt Nam là thủ phủ của nhiều loại nông sản chất lượng cao. Thời gian qua, việc mật ong Việt Nam xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; trái xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường như Anh, Úc; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp… cho thấy những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ và đặc biệt là việc cung cấp thông tin thị trường cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi đang phát huy tác dụng, không chỉ khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam ở thị trường thế giới mà còn giúp tạo sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống và góp phần giảm nghèo cho đồng bào ở khu vực này.
Thu Hoài
Bình luận