Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 10/07/2023 14:07
TMO - Tỉnh Trà Vinh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả những mục tiêu trong công tác bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2021 dao động trong khoảng 371,73 tấn/ngày đến 500,721 tấn/ngày. Theo số liệu từ kết quả khảo sát dựa trên ước lượng của 1.116 người dân trong năm 2021 tại tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ rác thải nhựa (RTN) trong RTSH tại Trà Vinh là 5,32%, dựa trên các mẫu phân loại rác tại Trà Vinh, tỷ lệ RTN trong RTSH từ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và từ các chợ ở mức cao nhất, cụ thể tỷ lệ RTN trong RTSH tại các khu du lịch dao động 13,3-83,3% và ở các chợ truyền thống dao động 23,3-45,24%.
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình đánh bắt cá rất ít, không có rác thải nhựa trong quá trình hoạt động trên biển (do đã được thả xuống biển hoặc bán cho người thu mua khi vào bờ như các ngư cụ hỏng không sử dụng), chủ yếu từ ăn uống của ngư dân (RTN chiếm tỷ lệ rất nhỏ) được thải trực tiếp xuống biển. Với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, RTN phát sinh chủ yếu từ bao bì chứa thức ăn nuôi, trồng thủy sản, các sản phẩm nhựa chứa thuốc, hóa chất dùng trong nuôi, trồng thủy sản.
Theo thống kê tống khối lượng RTSH phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 482,67 tấn/ngày (trong đó: RTSH đô thị phát sinh 195,32 tấn/ngày, RTSH nông thôn phát sinh 287,35 tấn/ngày). Khối lượng RTSH đô thị được thu gom, xử lý là 194,35 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 99,5%), khối lượng RTSH nông thôn được thu gom, xử lý là 248,75 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 86,57%). Như vậy mỗi ngày có 39,570 tấn RTSH có khả năng thất thoát ra môi trường, trong đó chứa khoảng 2,11 tấn RTN (5,32%).
Trước sự gia tăng của khối lượng rác thải nhựa, tỉnh Trà Vinh đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế nguồn thải này.
Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, xử lý RTN trên địa bàn tỉnh, bao gồm RTN đại dương (gọi chung là RTN), bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế việc xả RTN từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất hay thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm thiểu 50% RTN trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Đảm bảo tối thiểu một năm một lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm ven biển trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, giảm thiểu 75% RTN trên biển; Đảm bảo 100% ngư cụ thủy hải sản thải bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ khác ven biển trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm ven biển trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy đối với sức khỏe con người, các hệ sinh thái biển, môi trường, biển và đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thu gom, xử lý RTN khu vực ven biển, trên biển. Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả chất thải, RTN ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, RTN cho đội ngũ cán bộ quản lý ở khu vực có biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về tác hại của RTN, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; vận động người dân, cộng đồng dân cư phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh và lựa chọn sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni- lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm,...).
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo, đài thông tin, tuyên truyền các hoạt động bảo vệ môi trường, lối sống thân thiện với môi trường, các tổ chức, cá nhân điển hình, tiên tiến trong công tác giảm thiểu RTN; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền các nội dung qua hệ thống thông tin cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Sở Công Thương vận động, yêu cầu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện cung cấp, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để chứa, đựng các sản phẩm, hàng hóa cho khách hàng.
Đẩy mạnh thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển và đất liền thông qua việc thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tối thiểu 02 lần/năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đối với các khu vực còn lại, thực hiện lồng ghép trong các chương trình phát động của ngành, địa phương; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Huy động sự tham gia của các người dân trong thu gom, phân loại RTN đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về RTN và RTN đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng RTN. Khuyến khích và tạo các cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa tỉnh tham gia tích cực vào chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Rác thải được thu gom đưa về khu xử lý, tỉnh Trà Vinh chú trọng công tác phân loại, đẩy mạnh tái chế rác thải (Ảnh minh họa).
UBND các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là UBND các huyện, thị xã khu vực ven biển: huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải, Thị xã Duyên Hải tập trung nguồn lực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý, ngoài ra, đối với các địa phương ven biển tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tại địa phương và cộng đồng dân cư ven biển tối thiểu một năm hai lần; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn trong việc thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, tổ chức các phong trào, chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch môi trường phù hợp tình hình thực tế của địa phương; người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với nhiệm vụ kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn, tỉnh Trà Vinh sẽ điều tra, thống kê phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và các hoạt động trên biển; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, RTN tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý RTN tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lồng ghép thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động biển với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý RTN phát sinh từ các hoạt động kinh tế biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản,...
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quan trắc, đánh giá hiện trạng RTN tại một số cửa sông thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và tại các khu vực ven biển có nguy cơ phát sinh RTN từ hoạt động du lịch thuộc huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT với các đơn vị có liên quan tổ chức dọn dẹp vệ sinh, vớt rác thải, RTN trên các tuyến sông, kênh, rạch và tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ RTN phát sinh từ cộng đồng ngư dân ven biển theo thẩm quyền quản lý. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn quản lý gắn với thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; tăng cường tái chế, tái sử dụng RTN; tăng cường kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bỏ RTN không đúng quy định.
Mạnh Hà
Bình luận