Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 07:11
Chủ nhật, 26/06/2022 06:06
TMO - Với việc thực hiện Đề án “ Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường”, thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, trong đó phân bổ nguồn lực xử lý chất thải xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác xử lý lượng chất thải này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 1.500- 2.500 tấn chất thải rắn xây dựng, dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 4.600- 6.700 tấn/ngày.
Mặc dù, địa phương đã có nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng như tuyên truyền, hướng dẫn, lập đường dây nóng, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, tuy nhiên tình trạng đổ trộm chất thải, xà bần ở các lô đất trống vẫn phổ biến trên địa bàn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan của một thành phố du lịch.
Mặc dù đã siết chặt quản lý, trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng
Khảo sát của nhóm nghiên cứu dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam" (gọi tắt là Dự án SATREPS) cho thấy, mỗi ngày thành phố cần chỗ chứa cho khoảng 500m3 chất thải rắn xây dựng; nếu chôn lấp thì mỗi năm cần khoảng 1,7 ha cho việc chôn lấp; nếu chứa tạm ở các bãi thì cần khoảng 11-22ha đất mỗi năm cho việc chứa tạm chất thải rắn xây dựng.
Mặt khác, khối lượng khai thác đá xây dựng trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, tức là thiếu khoảng 555 nghìn m3/năm; nhu cầu san lấp khoảng 2,5 triệu m3/nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%, thiếu 1,7 triệu m3/năm. Trong khi đó, các thành phần chính từ chất thải rắn xây dựng như đất, gạch, bê tông… có thể được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế trong xây dựng và cở sở hạ tầng, góp phần trực tiếp giảm thiểu lượng chất thải xây dựng phải chôn lấp.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tái chế chất thải xây dựng thành phố cần xây dựng quy hoạch với mục tiêu cụ thể về thúc đẩy tái chế, hạn chế chôn lấp chất thải rắn xây dựng, chống đổ trộm chất thải; ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý chất thải rắn xây dựng đối với các bên liên quan, thực hiện cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Đồng thời, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn xây dựng và các bãi chứa tạm, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng.
Ngoài ra, việc ban hành chính sách cụ thể quy định phí chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng như tăng phí chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng hoặc tính lũy tiến phí chôn lấp trực tiếp… là cần thiết để. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm về việc đổ trộm chất thải rắn xây dựng và cơ chế hỗ trợ về tài chính, trợ giá đối với các doanh nghiệp tái chế chất thải rắn xây dựng làm vật liệu.
Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý và tái chế chất thải xây dựng trên địa bàn
Cùng với những giải pháp trong công tác quản lý ở trên thì việc phát triển công nghệ tái chế; thử nghiệm xây dựng, vận hành các nhà máy tái chế chất thải rắn xây dựng vừa phục vụ phát triển công nghệ tái chế, vừa là mô hình thử nghiệm, bài học kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu dự án đề xuất trước mắt, thành phố Đà Nẵng cần quy hoạch và quản lý các vị trí bãi trung chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng; triển khai dự án tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; đồng thời, ban hành các quy định chặt chẽ trong việc xử phạt và thực hiện giám sát hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng, tăng cường kiểm tra giám sát hành vi này.
Về lâu dài, thành phố cần xây dựng các quy định về việc quản lý chất thải rắn xây dựng đối với chủ đầu tư, nhà thầu từ giai đoạn thiết kế; xây dựng các quy định, mức giá cho việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng đảm bảo thúc đẩy tái chế; xây dựng đơn giá xử lý, các chính sách hỗ trợ cho việc tái chế chất thải rắn xây dựng.
Cùng với đó, địa phương này cần ban hành các tiêu chuẩn, quy định cho đơn vị thu gom, vận chuyển và tái chế đáp ứng yêu cầu giám sát việc đổ trộm chất thải xây dựng; thực hiện truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và tái chế chất thải rắn xây dựng.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; tổ chức các hội thảo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật các đơn vị về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng.
Dự án ODA “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam” do trường Đại học Saitama và trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp thực hiện, đã chính thức được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt vào năm 2017 trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Khoa học Kỹ thuật về các vấn đề toàn cầu SATREPS.
Thu Trang
Bình luận