Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 29/08/2023 14:08
TMO - Tỉnh Phú Thọ xác định, khoáng sản là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác nguồn tài nguyên này được tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh triển khai.
Phú Thọ là địa phương có trữ lượng khoáng sản thấp và giá trị kinh tế theo từng loại không cao, chủ yếu là vật liệu xây dựng và một số loại khoáng sản khác như sắt, cao lanh, mica với quy mô phân tán nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 123 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 14 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Ngoài ra, có 11 mỏ đang trong thời gian thăm dò, trong đó có 5 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn lại của tỉnh cấp phép. Các loại khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm kaolin - fenspat, talc, sét, đá vôi, đá cát kết phong hóa, quazit, nước khoáng nóng, cát sỏi lòng sông...
UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản. Ảnh: ĐG.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mỏ khai thác theo đúng quy định, chỉ giới cũng như phương án khai thác theo kế hoạch cấp phép khai thác ban đầu, vẫn còn một số điểm mỏ khai thác sai quy định, ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm thất thoát tài nguyên quốc gia. Theo đánh giá của ngành chức năng iệc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp chưa cao, chưa có báo cáo chính xác về sản lượng khai thác, doanh thu.
Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác hoặc hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp khai thác quặng sắt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm tiến độ dự án đã được phê duyệt hoặc phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng nhưng không báo cáo kịp thời. Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác chế biến khoáng sản. Việc vận chuyển khoáng sản làm cho hệ thống giao thông nông thôn ở một số xã bị hư hỏng, gây trở ngại lớn cho hoạt động giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước phục vụ sản xuất, môi trường sống trong các khu dân cư…
UBND tỉnh Phú Thọ liên tiếp có những chỉ đạo về việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Tại văn bản số 2027 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý (đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm…). Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản.
Tại văn sản số 2136 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…); kiến nghị các biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, có văn bản yêu cầu tổ chức khai thác phải thực hiện quan trắc, theo dõi, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc khai thác đúng công suất của các mỏ cát, sỏi đã được cấp phép khai thác.
Định kỳ kiểm tra việc khai thác của các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông theo độ cao, công suất ghi trong Giấy phép (6 tháng/lần); phối hợp Cục Thuế tỉnh đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan tài nguyên và môi trường.
Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi theo quy định của pháp luật như số lượng, biển báo, đăng ký, đăng kiểm phương tiện; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
Lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác; định kỳ 6 tháng/năm lập bản đồ hiện trạng đáy sông khu vực được cấp phép khai thác để theo dõi độ sâu khai thác so với độ sâu được phép khai thác, thống kê kiểm kê trữ lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại của mỏ theo đúng thiết kế khai thác đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đức Toàn
Bình luận