Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 01:01
Thứ hai, 12/06/2023 13:06
TMO - Nhằm đảm bảo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai quyết liệt triển khai các giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước.
Tỉnh Đồng Nai có mật độ sông suối khoảng 0,5 km/km2, với tổng lượng nước trong tỉnh khoảng 24 tỷ m3 /năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô chiếm 20%. Sông Đồng Nai là con sông lớn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước mặt cho tỉnh Đồng Nai. Dòng chính sông Đồng Nai tại tuyến Tà Lài với diện tích lưu vực là 8.850 km2, cung cấp một lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 346,86 m3 /s, tương đương với tổng lượng 10,94 tỷ m3 /năm.
Dòng chính sông Đồng Nai tại Biên Hòa có diện tích lưu vực 22.425 km2, có lưu lượng bình quân năm khoảng 770,65 m3 /s, cung cấp một tổng lượng khoảng 24,3 tỷ m3, đây là nguồn nước mặt tự nhiên trung bình hàng năm mà tỉnh Đồng Nai nhận được từ hệ thống sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, các sông, suối nhỏ khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có diện tích 710,33 km2, dòng chảy trung bình hàng năm 23,04 m3 /s, tương đương với tổng trữ lượng 726,68 triệu m3 .
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50.800ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9.300ha. Tổng dung tích các hồ chứa này là 107 triệu m3, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất gần 6.200ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt gần 112.000 m3/ngày. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước trên sông Đồng Nai giúp địa phương này khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Báo cáo kết quả quan trắc năm 2022 của Sở TN&MT tỉnh cho thấy, nhiều vị trí sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh có các thông số vượt quy chuẩn cho phép. Một trong số đó là sông Đồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa, nhiều lần kiểm tra, thông số hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép. Còn tại huyện Trảng Bom, các hồ: Sông Mây, Thanh Niên, Bà Long, Bàu Hàm đều phát hiện ô nhiễm. Trong đó, khu vực ô nhiễm nặng là thượng nguồn hồ Sông Mây - nơi tiếp nhận nước thải từ các hoạt động chăn nuôi, dân sinh và Khu công nghiệp Sông Mây.
Những năm qua, Đồng Nai cũng như các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng lén xả chất thải chăn nuôi, công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Theo Quy hoạch thủy lợi của Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh sẽ lấy nguồn nước sinh hoạt từ 2 sông Đồng Nai, Đồng Môn và 5 hồ gồm: Trị An, Gia Ui, Núi Le, Đá Vàng, Cầu Mới. Để nguồn nước đảm bảo ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng mới 72 công trình thủy lợi; sửa chữa nâng cấp 18 công trình; kiên cố hóa 60 công trình kênh mương.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đang tiến hành lập hồ sơ để thuê đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch, lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 900 nguồn nước của các sông, suối, kênh, rạch, hồ cần phải cắm mốc. Việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện với các đoạn sông, suối, kênh rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo.
Tỉnh Đồng Nai tiến hành di dời, sắp xếp lại hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông La Ngà, nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động kinh tế này.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1016/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc quy hoạch tài nguyên nước được cụ thể bằng “Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.
Theo đó, đối với nguồn nước mặt, dự thảo Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn sinh thủy thông qua hoạt động trồng và bảo vệ rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn. Bảo vệ tính toàn vẹn của các dòng sông (toàn vẹn không có nghĩa là nguyên vẹn. sự toàn vẹn ở đây được hiểu là không để xảy ra những biến động như mất dòng, mất các khu đất ngập nước và rừng ngập nước ven sông, các bãi bồi…). Có thể tiến hành dự án điều tra, nghiên cứu đánh giá mức độ bị tổn thương gây ra bởi các vấn đề liên quan đến nguồn nước của các cộng đồng trên 12 tiểu lưu vực trong tỉnh trong 10 năm qua.
Đồng Nai là địa phương có tiềm năng nguồn nước khá song cũng là địa phương có nhu cầu sử dụng nước rất cao do tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Xét một cách sơ bộ thì Đồng Nai chưa thiếu nước như nhiều địa phương khác ở Nam Trung Bộ, Bắc Bộ…Tuy nhiên do đặc điểm phân bố rất không đều theo thời gian và không gian nên thời gian qua trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện những vùng, những thời kỳ có sức éo cao về tài nguyên nước; nhiều tháng trong năm xảy ra tình trạng thiếu nước.
Vì vậy phát triển nguồn nước, tạo nguồn cung cấp nước luôn là giải pháp truyền thống trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Phát triển nguồn nước không còn đơn thuần là việc xây dựng các hồ chứa tích nước trong mùa nhiều nước để sử dụng cho thời kỳ khan hiếm nước mà nó bao gồm nhiều hoạt động cơ bản khác như: Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy và tính toàn vẹn của các dòng sông; bảo tồn nghiêm vùng dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai – phê duyệt quy hoạch bảo vệ vùng dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; Nghiên cứu đề suất sử dụng vùng đất ngập nước; không gian lòng bờ bãi sông, hành lang an toàn thoát lũ; Đánh giá tiềm năng và trữ lượng có thể khai thác của nước dưới đất trên 12 tiểu vùng của tỉnh Đồng Nai làm cơ sở hoạch định giải pháp tạo nguồn bổ sung.
Kết quả phân tích hiện trạng môi trường nước trên các sông suối ở 12 tiểu vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai những năm qua cho thấy: Chất lượng các nguồn nước đang xấu dần, một số sông suối, đoạn sông mức độ ô nhiễm cao như dòng chính sông Đồng Nai đoạn 3 (đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa), khu vực Cầu La Ngà đoạn đổ vào hồ Trị An(do tác động của nhà máy đường La Ngà và nhà máy chế biến men thực phẩm Mauri) đặc biệt là thượng lưu sông thị vải.
Trong 10 năm tới (kỳ quy hoạch) cần phải có các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước; từng bước cải tạo và phục hồi các đoạn sông bị ô nhiễm cao. Do vậy, cần xây dựng, hoàn thiện mạng tự động quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các tiểu vùng, các sông suối chính, các hộ khai thác sử dụng nước và xả nước thải lớn như các hồ thủy điện, thủy lợi; các KCN; các khu đô thị…nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong bảo vệ tài nguyên nước. Tăng cường bảo vệ môi trường nước các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung Xây dựng Đề án kiểm kê, đánh giá nguồn thải và báo cáo chất lượng nước theo định kỳ các trạm chất lượng nước trong lưu vực sông...
Kim Thoa
Bình luận