Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 03/10/2022 04:10
TMO - Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho thấy hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại thành phố. Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị cacbon thấp, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguồn khí thải đặc biệt trong hoạt động giao thông.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ rõ hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP.HCM, 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ), 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit), 46% bụi và 64% CH4 (metan). Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất với 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.
Số liệu thống kê cho thấy TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô. Trên thực tế nhiều phương tiện vẫn chưa thể kiểm soát được xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật.
Theo PGS.TS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP. Hồ Chí Minh năm 2019 là 58.272.149 tấn CO2eq/năm. Chỉ riêng giao thông đường bộ chiếm 13.484.958 tấn CO2eq/năm. Trong đó, xe máy đóng góp cao nhất (63%) phát thải khí nhà kính.
Hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TP.HCM. Ảnh: MQ
Các chuyên gia cho biết hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (bụi mịn PM2.5) tại TP.HCM đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư… Mỗi năm, tổng số ca tử vong được phát hiện tại TP.HCM là hơn 1.300 ca do 3 căn bệnh: ung thư phổi, tim - phổi và IHD (bệnh tim thiếu máu cục bộ) do tiếp xúc với các chất ô nhiễm PM2.5, SO2 và NO2.
Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu; triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng…
Thành phố cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Về giải pháp chi tiết, cần kiểm soát được khí thải xe máy, đưa vào quy định kiểm tra khí thải xe máy, nếu xe quá cũ không đạt yêu cầu khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân phải bảo dưỡng để xe đạt tiêu chuẩn khí thải giống như đang làm với các xe cơ giới.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, thành phố yêu cầu Sở TN&MT quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí. Cạnh đó, thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí.
Đồng thời, thành phố yêu cầu Sở TN&MT theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định. Sở GTVT được giao tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải.
TP.HCM nghiên cứu phát triển giao thông xanh bằng xe buýt điện
Bên cạnh đó, Sở GTVT cần chủ trì thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Trong đó, sở này cần tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”, TP.HCM đặt ra mục tiêu: vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025 và 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2030.
Ngoài ra, trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM sẽ triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, Dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2tđ/năm.
Thu Trang
Bình luận