Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 09:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Tác động môi trường xuyên biên giới – vấn đề cần được quan tâm đối với vùng ĐBSCL (Kỳ 2- hết)

Thứ ba, 30/11/2021 23:11

TMO - “Những tác động lớn nào ảnh hưởng đến môi trường được chỉ ra từ các dự án, công trình thủy điện trên dòng chính Mêkông”? Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi tới bạn đọc (Kỳ cuối) bài viết của PGS.TS. Lê Trình (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC),  Tổ trưởng Tổ Tư vấn quốc tế ĐMC Quy hoạch Vùng ĐBSCL, Ủy viên BCH (VACNE).

Tác động môi trường xuyên biên giới – vấn đề cần được quan tâm đối với vùng ĐBSCL (Kỳ 1)

Đánh giá sơ bộ về tác động xuyên biên giới của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông đến môi trường và xã hội vùng ĐBSCL.

Nghiên cứu ảnh hưởng của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông (gọi tắt là MDS) của DHI và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do Chính phủ Việt Nam đề xuất, phối hợp với các Chính phủ Lào và Campuchia, hoàn thành vào năm 2015, đã đánh giá tác động tổng hợp của bậc thang thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mêkông tới các hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc châu thổ Mêkông ở Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Mục đích chủ yếu của MDS là đánh giá các thay đổi có thể diễn ra với chế độ thủy văn của hạ lưu vực sông Mêkông do việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện trên dòng chính và đánh giá tác động của những thay đổi này đối với môi trường tự nhiên và xã hội của Việt Nam và Campuchia. Điều này này giúp tiến đến mục tiêu lâu dài là bảo vệ các hệ thống kinh tế và tự nhiên để đảm bảo sự thịnh vượng các cộng đồng và sinh kế của người dân sống trong vùng châu thổ sông Mêkông thông qua các hỗ trợ ra quyết định một cách khoa học và được tham vấn về sử dụng và khai thác tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan.

(Ảnh minh họa)

Kết quả nghiên cứu MDS chỉ ra rằng, nếu thực hiện các dự án thủy điện trên dòng chính Mêkông đã được quy hoạch (Kịch bản 1) mà không có các biện pháp giảm nhẹ sẽ gây ra tác động bất lợi lớn hoặc rất lớn đối với một số ngành kinh tế chính và tài nguyên môi trường ở Campuchia và Việt Nam. Tác động tích hợp (cummulative impact) bất lợi của các các dự án đã quy hoạch ở sông nhánh (Kịch bản 2) và các dự án thủy điện đã quy hoạch và đề án vận chuyển nước ở Thái Lan và Campuchia (Kịch bản 3) sẽ gây ảnh hưởng xấu lớn hơn đối với ĐBSCL so với Kịch bản 1.

Các tác động xấu đáng chú ý nhất của các dự án, công trình thủy điện trên dòng chính với một số vấn đề môi trường, xã hội chính đã được MDS và một số nghiên cứu khác dự báo, được chúng tôi tóm tắt dưới đây.

1.  Chế độ vận hành phủ đỉnh hàng ngày và tích nước trong mùa khô của bậc thang thủy điện dòng chính có thể gây tác động từ lớn tới nghiêm trọng đến chế độ dòng chảy (sụt giảm tổng lưu lượng 10 ngày: tại Kratie 60%; tại Tân Châu và Châu Đốc 40%). Đoạn sông trên phần lãnh thổ Campuchia vùng hạ lưu của bậc thang thủy điện cuối cùng được đánh giá là chịu tác động lớn nhất từ các hiện tượng sụt giảm và dao động mạnh dòng chảy và mực nước. Trong ba kịch bản và bốn phương án, tác động lên chế độ dòng chảy của Kịch bản 3 là lớn nhất.

Thực trạng hiện nay: Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 03/2020: Dòng chảy về ĐBSCL giảm mạnh từ đầu tháng 12/2019 đến thời điểm này. Cùng với đó, hàng loạt thủy điện dọc sông Mêkông đã đồng loạt tích nước khiến dòng chảy đã giảm, nay càng giảm hơn. Thể tích nước trong Biển Hồ Campuchia đến nay đã giảm 33 tỷ m3 so với đầu tháng 10/2019.

2. Tải lượng bùn cát và chất dinh dưỡng sẽ giảm khoảng 57-65% ở Kratie và Tân Châu – Châu Đốc và giảm ít hơn ở hạ nguồn dòng chính, có thể gây làm giảm lượng sinh vật, giảm sản lượng nông nghiệp, gia tăng sạt lở và giảm lắng đạo trầm tích ở các vùng ven sông và ven biển. Kịch bản 2 gây ra tác động nghiêm trọng nhất đối với quá trình lắng đọng trầm tích và chất dinh dưỡng so với các kịch bản và phương án phát triển khác. Ước tính tốc độ bồi đắp/xói lở 4 - 12 m/năm so với điều kiện hiện tại sẽ gây ra mất đất theo cả ba kịch bản. Xa hơn về phía ven biển Tây Nam của ĐBSCL: tác động đối với tốc độ bồi đắp/xói lở nhỏ hơn 0,5m/năm, trong khi tốc độ bồi đắp vùng mũi Cà Mau giảm khoảng 1 m/năm theo cả ba kịch bản.

Theo nghiên cứu của MDS: nếu toàn bộ 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mêcông vận hành thì tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 64%, tổng lượng chất dinh dưỡng giảm tới 67%.  Nếu tính thêm các hồ đập ở Trung Quốc: tổng lượng phù sa về ĐBSCL bị giảm hơn 90%. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (11/2020): Sau 2040, lượng phù sa sau Kratie chỉ còn 3-4% so với tự nhiên. ĐBSCL hình thành từ quá trình bồi lắng; canh tác lúa, cây trái và thủy sản trong vùng phụ thuộc vào nguồn nước và phù sa. Nếu nguồn nước ngọt và phù sa giảm thiệt hại về kinh tế và môi trường là không thể bù đắp.

Việc suy giảm phù sa trong dòng nước và trầm tích đáy sông đã và sẽ gây gia tăng xói lở bờ các sông, kênh lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và đất đai, đây là một trong các vấn đề môi trường chính đã được nghiên cứu ĐMC xác định. Thông tin về nguyên nhân và hậu quả sạt lở đã được nêu trong báo cáo ĐMC này.

3. Xâm nhập mặn – một trong các vấn đề môi trường chính của ĐBSCL - sẽ gia tăng ở vùng ven biển và cửa sông. Thoe MDS: tương tự như tác động đối với dòng chảy, Kịch bản 3 sẽ gây tác động lớn nhất đối với xâm nhập mặn. Nếu tất cả 11 công trình thủy điện trên dòng chính vận hành thì dòng chảy sụt giảm 34 – 41%, xâm nhập mặn vào sâu thêm 7-13 km trên sông Tiền, sông Hậu.

Thực trạng hiện nay: Việc suy giảm lưu lượng cộng với tác động của triều cường theo chu kỳ của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao. Trong các năm gần đây xâm nhập mặn trong mùa khô 2015 - 2016 là cao nhất. Tuy nhiên trong năm 2020 xâm nhập mặn tăng cao hơn: Tổng lượng dòng chảy tới vùng ĐBSCL qua hai trạm thủy văn.

Tân Châu và Châu Đốc bị sụt giảm tới 13% so với trung bình nhiều năm và thấp hơn tổng lượng dòng chảy tháng 2/2016 khoảng 5% nên xâm nhập mặn trong tháng 3/2020 tăng mạnh.   

Tác động gián tiếp: Để giải quyết việc thiếu nước ngọt cho sinh hoạt do sông kênh rạch bị nhiễm mặn các công ty, đơn vị, hộ dân ở ĐBSCL gia tăng khai thác nước dưới đất quá mức dẫn đến sụt lún đất trầm trọng, khó khắc phục. Nghiên cứu gần đây về sụt lún đất được INDRA-GISAT thực hiện (2019) dựa trên dữ liệu vệ tinh inSAR cho thấy các khu vực ở ĐBSCL có tốc độ sụt lún đất khác nhau: Trong giai đoạn 2014-2019 có những địa điểm với tốc độ sụt lún đất trên 3 cm/năm, một số địa điểm thì sụt lún đất ở mức 5 cm/năm. Tốc độ này cao hơn tốc độ được đo đạc trước đây mức sụt lún và cao gấp hơn 10 lần tốc độ nước biển dâng trung bình năm hiện tại. Rủi ro này cao đến mức được nghiên cứu ĐMC xác định là một trong các vấn đề môi trường chính của ĐBSCL.

4. Tuyến di chuyển của các loài cá trắng có tính di cư xa trên dòng chính và các dòng nhánh bị cản trở. Các loài cá này có thể sẽ không tồn tại trên lưu vực sông Mêcông hoặc số lượng sẽ bị suy giảm lớn. Cá trắng chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất trong lưu vực. Theo MDS: Các tác động của bậc thang thủy điện dòng chính như giảm năng suất hệ sinh thái do mất phù sa dinh dưỡng, biến động diện tích sinh cảnh do biến động chế độ dòng chảy và xâm nhập mặn… có thể gây sụt giảm tới 52% tổng sản lượng đánh bắt tự nhiên của Việt Nam và Campuchia. Các đập trên dòng nhánh sẽ làm gia tăng thêm tổn thất về sản lượng đánh bắt cá và số lượng cá trong vùng. Theo báo cáo của MRC: Tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm từ 35 - 40% trong năm 2020 và 40 - 80% vào năm 2040.

6.  Tác động bất lợi rất lớn đối với đa dạng sinh học là nguy cơ tuyệt chủng khoảng 10% số loài cá ở Việt Nam và miền Nam Campuchia, giảm các loài cá di cư và tuyệt chủng loài cá heo Irrawaddy ở sông Mêkông; giảm sự phân bố và số lượng các loài trai nước ngọt và suy giảm các loài động vật không xương sống.

7.   Điều kiện hoạt động của tàu thuyền sẽ không an toàn ở phía hạ nguồn các đập thủy điện vận hành để sản xuất điện lúc cao điểm hoặc xả nước. Dự kiến sẽ có tác động bất lợi thấp đến trung bình đối với giao thông thủy, chủ yếu do thay đổi chế độ dòng chảy và các thách thức đối với giao thông trên sông mà trước đây chưa từng gặp.

8.  Một số vùng canh tác nông nghiệp dọc theo sông Mêkông và chi lưu sẽ chịu tác động do sụt giảm nguồn dinh dưỡng, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất nông nghiệp.

9.  Thay đổi thủy văn, độ mặn và mực nước và tác động đối với thu nhập và nguồn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Người nuôi, đánh bắt thủy sản và nông dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh kế.

Theo nghiên cứu của MDS: hàng năm, ở Việt Nam, thiệt hại đối với ngành ngư nghiệp và nông nghiệp có thể trên 15,8 nghìn tỷ đồng (718 triệu USD). Ở Campuchia, thiệt hại do các tác động bất lợi đối với ngành ngư nghiệp và nông nghiệp vượt quá 1,8 nghìn tỷ Riel (450 triệu USD). Nhìn chung, vùng ĐBSCL sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề về ngư nghiệp và đa dạng sinh học và cũng sẽ phải chịu tác động bất lợi do xâm nhập mặn gia tăng.

11.   Các tác động được dự báo bằng việc kết hợp các phân tích định lượng và đính tính các dữ liệu tốt nhất hiện có với hệ thống mô hình hóa hiện đại và công cụ đánh giá tác động tùy chỉnh. Tác động thực tế có thể lớn hơn dự báo do tác động tích hợp của các hiện tượng tự nhiên khác (BĐKH, nước biển dâng), các phát triển ở hạ lưu vực sông Mêkông (phá rừng, phát triển thủy lợi, …) và sự chưa chắc chắn về cách thức hệ thống tự nhiên sẽ ứng phó với các thay đổi lớn trong hệ thống hạ lưu vực sông Mêkông. Dù rằng các tài nguyên sinh vật về bản chất đã có tính thích ứng và dần dà có thể khắc phục một số tác động dự kiến, những biện pháp thích ứng như vậy vẫn không thể bù đắp hoàn toàn các tác động dự kiến.

Tác động do lấy nước phục vụ nông nghiệp ở thượng lưu

Theo số liệu Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: vào năm 2020, lưu lượng nước phục vụ nông nghiệp ở vùng thượng lưu là 1061 m3/s, đến năm 2040 sẽ tăng 1,49 lần. Thời điểm lấy nước ở thượng lưu chủ yếu vào mùa khô lại trùng với thời điểm cần lấy nước cho nông nghiệp ở ĐBSCL. Vì vậy, tác động của lấy nước ở thượng lưu đến sản xuất và sinh hoạt ở ĐBSCL vào mùa khô là nghiêm trọng.

Khả năng chuyển ô nhiễm từ thượng lưu về ĐBSCL

Ngoài tác động do thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản, nông, ngư nghiệp, du lịch ở các nước đầu nguồn đã, đang và sẽ đưa các chất thải vào sông chính, từ đó chuyển vào vùng ĐBSCL. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước (WQMN) của MRC được thành lập năm 1985. Năm 2017, MRC đã tiến hành quan trắc chất lượng nước sông Mêkông và các sông nhánh tại 48 trạm, trong đó 17 trạm chính trên dòng chính và 31 sông nhánh. 

Kết quả quan trắc cho thấy, tất cả các điểm quan trắc trên sông Mêkông (đoạn qua ĐBSCL được gọi là sông Tiền) và sông Bassac (đoạn qua ĐBSCL được gọi là sông Hậu) trong cả 4 quốc gia vẫn có chất lượng nước tốt và có sự cải thiện nhẹ so với năm 2016. Chỉ có một số ít điểm có giá trị COD vượt quá Quy định về chất lượng nước MRC về “Bảo vệ Sức khỏe con người” (WQGH) với chỉ số WQI được lập theo 7 thông số: pH, EC, DO, ammoni, nitrit, COD, BOD và “Đời sống thủy sinh” (WQGA) với chỉ số WQI được lập theo 6 thông số: pH, EC, DO ammoni, nitrit, tổng P. Phần lớn các điểm vượt Quy định đều nằm ở vùng ĐBSCL - nơi có mật độ dân số cao và có hoạt động nông nghiệp phát triển mạnh.

Trong số 17 trạm quan trắc ở sông Mêkông từ biên giới Lào - Trung Quốc đến Mỹ Tho có 9 trạm quan trắc đạt loại A, 7 trạm đạt loại B, chỉ có Trạm Mỹ Tho có chất lượng nước đạt loại trung bình (C) về WQGH . Tuy nhiên, so với năm 2016, chất lượng nước tại Mỹ Tho được cải thiện (năm 2016 bị xếp loại “chất lượng kém” (loại D). Ở sông Bassac/sông Hậu: Chất lượng nước tại tất cả các trạm quan trắc đều đạt loại tốt (loại B) về bảo vệ đời sống thủy sinh. Dữ liệu ghi nhận tại các trạm quan trắc này cho thấy, tổng phospho (P) vượt quy định trong 30% số lần thu mẫu; nồng độ nitrat-nitrit vượt quy định trong 17% và DO vượt quy định trong 19% tổng số lần thu mẫu.

Nếu đánh giá qua Chỉ số chất lượng nước theo WQGH chất lượng nước của sông Mêkông/sông Tiền và sông Bassac/sông Hậu vẫn có chất lượng tốt. Trong đó, tất cả các trạm được đánh giá đạt loại tốt và rất tốt (loại A). Trong năm 2017, trong số 22 trạm quan trắc trên sông Mêcông và sông Bassac, có 15 trạm được đánh giá là rất tốt, 7 trạm được đánh giá là tốt. Trong số 15 trạm loại rất tốt có 9 trạm ở Campuchia, 2 ở Việt Nam và 4 ở Lào. Từ năm 2009 - 2017, chất lượng nước về WQGH không thay đổi đáng kể, với các xếp hạng từ trung bình đến rất tốt.

So sánh các thông số chất lượng nước tại Trạm Kaorm Samnor (thượng lưu phía Campuchia) và Trạm Tân Châu (hạ lưu phía ĐBSCL) cho thấy: nhìn chung, giá trị các thông số các thông số nitrat - nitrit, ammoni, tổng nitơ, tổng phospho và COD ở Tân Châu cao hơn so với Kaorm Samnor. Chất lượng nước sông Mêkông tại Châu Đốc cũng kém hơn so với trạm ở Campuchia. Điều này cho nhận xét: ô nhiễm nguồn nước tại Tân Châu và Châu Đốc là do các nguồn tại chỗ, chưa có vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới từ thượng lưu về ĐBSCL. Tuy nhiên, chất lượng nước, ô nhiễm nước tại các Trạm Tân Châu và Châu Đốc cần được quan trắc hàng ngày để cảnh báo các diễn biến ô nhiễm bất thường do các hoạt động từ các quốc gia bên trên ĐBSCL.

Kết luận

1. Vùng ĐBSCL nằm cuối lưu vực sông Mêkông, điều kiện sinh thái, chất lượng môi trường, cuộc sống người dân và phát triển các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội đều phụ thuộc rất lớn vào 90% lưu lượng nước cung cấp từ các quốc gia phía trên. Trong khi đó hiện nay và tương lai tại lưu vực sông Mêkông rất nhiều dự án phát triên hồ chứa, thủy điện trong đó có nhiều dự án trên dòng chính và các dự án công nghiệp, nông nghiệp….Điều này đang và sẽ gây tác động xuyên biên giới đến môi trường và xã hội vùng ĐBSCL với mức độ ngày càng nghiêm trọng và khó giải quyết nếu không có sự quan tâm thích đáng của các bộ, ngành, các nhà khoa học và hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học trên thế giới và các quốc gia trong lưu vực sông trong nghiên cứu, dự báo tác động xuyên biên giới, ngăn chặn các quy hoạch, dự án phát triển có thể gây tổn hại lớn đến môi trường và xã hội vùng hạ lưu là nhiệm vụ quan trọng của Bộ TN&MT, các bộ ngành, địa phương liên quan và các đon vị khoa học.

2. Đánh giá chung về tác động do các công trình thủy điện đến ĐBSCL có thể được tóm tắt trong báo cáo của Bộ TN&MT (31/03/2020) dẫn kết quả nghiên cứu do Tư vấn quốc tế DHI của Đan Mạch chỉ ra rằng: trường hợp toàn bộ 11 công trình thuỷ điện dòng chính thì dòng chảy sụt giảm từ 34 - 41%; xâm nhập mặn vào sâu thêm trên các sông Tiền và sông Hậu từ 7-13km; tổng lượng phù sa bùn cát giảm tới 64%; tổng lượng chất dinh dưỡng giảm tới 67%; sản lượng đánh bắt thuỷ sản giảm tới 51% và tác động tới đa dạng sinh học; trường hợp có thêm các thủy điện dòng nhánh: ngoài tác động như kịch bản trên thì: phù sa bùn cát giảm tới 65%, thuỷ sản giảm tới 52%; trường hợp có thêm chuyển nước ra ngoài lưu vực của Thái Lan thì ngoài tác động như các kịch bản trên còn làm dòng chảy sụt giảm tới 47%, xâm nhập mặn vào sâu các sông Tiền, sông Hậu thêm 17km.

3. Hiện nay chưa có bằng chứng về tác động xuyên biên giới do vận chuyển ô nhiễm theo các sông chính vào Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề này cần được quan trắc, giám sát hàng ngày tại các trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường nhằm cảnh báo các sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động ở các nước bên trên ĐBSCL.

 

PGS.TS. Lê Trình 

(Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC),  Tổ trưởng Tổ Tư vấn quốc tế ĐMC Quy hoạch Vùng ĐBSCL, Ủy viên BCH (VACNE).

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline