Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ hai, 14/08/2023 07:08
TMO - Các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, khảo sát cho thấy dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.
Nhu cầu năng lượng cho sản xuất ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Mặc dù, phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức.
Trên cơ sở “Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Cần đẩy mạnh tiết kiệm điện trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là một số ngành có tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao như gang, thép, xi măng...
Nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới WB cho thấy, khi áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Có nhiều giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng khác nhau tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực công nghiệp. Các giải pháp thường tập trung vào ba khu vực chính là hệ thống tiêu thụ năng lượng, hệ thống chế biến xử lý, và khu vực thu hồi nhiệt thải và sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất. Đối với hệ thống tiêu thụ năng lượng, các giải pháp thông thường là nâng cấp nồi hơi và chuyển đổi nhiên liệu, sử dụng các thiết bị đồng phát và hệ thống dẫn động điện tử, bao gồm các hệ thống khí nén, hệ thống làm lạnh, máy móc và hệ thống chiếu sáng.
Đối với hệ thống chế biến xử lý, các giải pháp sẽ tập trung vào nâng cấp và thay thế các trang thiết bị, máy móc. Đối với hệ thống chế biến xử lý và khu vực thu hồi nhiệt thải: sử dụng nhiệt thải (khí, lỏng, rắn nóng hoặc lạnh) và các chất thải có thể cháy (khí, lỏng, rắn). Việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng có thể được xem xét.
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng cho ngành xi măng bao gồm sử dụng máy nghiền thanh lăn cho nghiền vật liệu thô, nâng cấp các quạt lò và tối ưu hóa hoạt động của các quạt, lắp đặt các bộ biến tần, sử dụng nhiên liệu thải và thu hồi nhiệt thải. Ngành xi măng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, tạo ra một lượng lớn các nhiệt khí thải ở nhiệt độ lên tới 350 độ C.
Sản xuất thép cũng là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng điện và than, nhưng nếu đầu tư công nghệ, thu lại nguồn nhiệt thải để tái sản xuất điện năng thì không chỉ giúp giảm chi phí cho sản phẩm mà còn góp phần đảm bảo điện cho sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay nhiều đơn vị đang thu hồi nhiệt dư và khí thải phát ra môi trường tận dụng lại để phát điện đạt trên 70% tổng sản lượng điện mà mình phải sử dụng và hướng đếnđầu tư cải tạo để đạt trên 80%...
Đầu tư cho tiết kiệm năng lượng là giải pháp đa mục tiêu về cả kinh tế và môi trường.
Theo giới chuyên gia, đầu tư cho tiết kiệm năng lượng là giải pháp đa mục tiêu. Về mặt kinh tế thì đây giải pháp có chi phí thấp nhất, chỉ bằng 1/4 chi phí cung cấp năng lượng thương mại tính theo mức giá năng lượng hiện tại. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ tăng năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp vì giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm các chi phí. Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng còn giảm áp lực chi tiêu của người dân, giảm áp lực về ngân sách, do đó Chính phủ có thể dành một phần ngân sách đầu tư cho phát triển các ngành kinh tế khác.
Về mặt môi trường và biến đổi khí hậu, đây là giải pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải ô nhiễm, đối phó với biến đổi khí hậu. Khi sử dụng năng lượng tăng cao thì việc đốt các nhiên liệu hóa thạch ở các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy công nghiệp, và các phương tiện vận chuyển sẽ làm tăng phát thải nhà kính, hủy hoại môi trường. Nghiên cứu của WB về phát triển thấp các bon năm 2011 cho thấy tiết kiệm năng lượng là giải pháp có chi phí thấp nhất để giảm phát thải CO2, đóng góp khoảng 40% lượng giảm phát thải khí nhà kính trong kịch bản phát triển thấp các bon của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng quốc tế, các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải ở Việt Nam. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Hải Nam
Bình luận