Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ tư, 25/09/2024 14:09
TMO - Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Sơn La tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Sơn La là địa phương có diện tích đất lớn, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Với 84.752 ha cây ăn quả, Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước với trên 20.000 ha; cùng nhiều loại nông sản, có diện tích, sản lượng lớn như: 5.235 ha chè, 9.259 ha mía, 42.537 ha ngô, trên 15.300 ha sắn… Địa phương này cũng đã hình thành được các vùng nguyên liệu với khối lượng hàng hoá nông sản lớn, đa dạng, chất lượng, gắn các cơ sở chế biến.
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản, mỗi năm, công suất chế biến từ vài chục đến hàng nghìn tấn xoài, nhãn, cà phê, sắn, dứa, mận hậu, ngô ngọt, chuối, mắc ca, quả sơn tra, chanh leo, các loại rau, củ... góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh rau quả, Sơn La được biết đến với thế mạnh lớn cây cà phê. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 ha cà phê Arabica, chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước; có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê, tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn cà phê chất lượng, phục vụ thị trường.
Dây chuyền chế biến nhãn của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La cấp chủ trương đầu tư mới 6 dự án, gồm: Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm - Doveco Sơn La; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; nhà máy chế biến nông sản, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu của Công ty Thương mại Tây Bắc; Dự án tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La. Đến nay, 2 nhà máy đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, hoạt động chế biến nông sản địa phương đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2023 tăng trung bình đạt 10,75%/năm (vượt mục tiêu là 9,5% /năm). Năm 2023, công nghiệp chế biến thực phẩm đạt 5.066 tỷ đồng, tăng 8,57% so với năm 2022 (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt, giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 18,5%/năm (mục tiêu là tăng 12%/năm). Năm 2023, giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 159,33 triệu USD, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2022; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, xoài, chanh leo… (mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 166 triệu USD).
Để tiếp tục nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện tỉnh đã tiếp nhận, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 2/4 dự án, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy và dự án Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, trong những năm qua đơn vị đã đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư. Các dự án thuộc đối tượng thẩm định công nghệ hoặc cho ý kiến về công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ đều được lấy ý kiến của chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực của dự án để góp ý, hoàn thiện công nghệ trước khi triển khai dự án; giúp chủ đầu tư có những lựa chọn phù hợp và hiệu quả ngay từ khâu lập dự án.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 70%. Công tác nghiên cứu khoa học đã đạt kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, các giống cây trồng chủ lực được đặc biệt quan tâm (cà phê, chè,...), cây ăn quả, cây lâm nghiệp… có năng suất chất lượng cao phục vụ cho các cơ sở chế biến.
UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Thúc đẩy phát triển chế biến sâu, thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đưa vào vận hành các dự án được cấp chủ trương đầu tư; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị.
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ, giảm sức ép việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tham gia đề xuất đặt hàng, chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, nhất là phát triển sản xuất, chế biến nông sản. Rà soát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chế biến nông sản đăng ký hỗ trợ theo chính sách khuyến công năm 2025.
Hướng tới mục tiêu tăng giá trị, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đạt 6.500 tỷ đồng.
Thu Hoài
Bình luận