Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ sáu, 11/02/2022 16:02
TMO - Rừng dừa nước Tịnh Khê thuộc xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành cách đây hơn 100 năm. Trải qua nhiều biến động, người dân xã Tịnh Khê đang kỳ vọng cánh rừng này sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái, mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái nơi đây.
Với diện tích hơn 9 ha, rừng dừa nước Tịnh Khê được coi là là "lá phổi" đối với cuộc sống của người dân Tịnh Khê. Địa phương này không chỉ sở hữu rừng dừa nước tuyệt đẹp mà còn có hệ sinh thái ở sông Kinh vô cùng phong phú.
Không gian rộng lớn của rừng dừa nước Tịnh Khê đã từng là nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng
Trong kháng chiến, rừng dừa nước là nơi trú ẩn của lực lượng vũ trang huyện Đông Sơn và Tỉnh đội Quảng Ngãi, chống lại những cuộc càn quét, đánh phá của kẻ thù vào xã Tịnh Khê và các địa phương lân cận. giai đoạn 1969-1970, địch đã dùng hàng trăm xe tăng và xe ủi đất, cày xới, không còn một gốc cây, ngọn cỏ ở xã Tịnh Khê. Nhờ tận dụng địa thế của rừng dừa nước khi thủy triều lên thì rừng dừa nằm trong biển nước, lúc nước xuống vẫn có những vùng đất nhô lên, lực lượng du kích lấy bao dồn cát và lấy ống cống ri của Mỹ làm chắn đỡ.
Ngày nay, rừng dừa trăm tuổi này giúp người dân địa phương ổn định đời sống. Tại địa phương này, còn khoảng chục hộ dân gắn bó với nghề chằm lá dừa. Ngày trước từ lá dừa có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như võng dừa, chổi, mũ... Hiện tại chỉ duy nhất tấm mái che lợp nhà bằng lá dừa vẫn còn được ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày người dân ở đây đan được khoảng 20 – 25 tấm, mỗi tấm giá 35 nghìn đồng. Lá dừa mỗi năm thu hoạch 2 lần, từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6 đến tháng 7. Người dân phơi lá dừa khô, sau đó dùng nan tre đan lá dừa thành từng tấm, mỗi tấm gồm 25 đôi lá dừa đan lại.
Diện tích rừng dừa ngày càng thu hẹp so với thời kháng chiến do người dân đào ao để nuôi trồng thủy sản
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực này suy giảm đáng kể bởi hoạt động đánh bắt bằng cách thả rập lồng. Khác với công cụ truyền thống, rập lồng thu trọn cá lớn lẫn cá bé. Dọc sông Kinh có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh lưới rọ lồng. Dưới những tán dừa nước, rọ lồng giăng kín.
UBND xã Tịnh Khê cho biết, địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch phát triển du lịch sinh thái rừng dừa nước bên dòng sông Kinh để tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần chấm dứt việc khai thác theo kiểu tận diệt. Ngoài ra, HXT Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê được thành lập với hàng chục xã viên để góp phần phát triển du lịch trải nghiệm như làm nông dân, ngư dân, chằm lá dừa nước và khai thác những dịch vụ du lịch tiềm năng khác.
Hoài Dương
Bình luận