Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 17:07
Thứ ba, 22/07/2025 06:07
TMO - Hiện nay tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn. Nhiều địa phương đã tích cực trùng tu, tôn tạo, gắn bảo tồn với phát triển du lịch, giáo dục truyền thống. Đây là hướng đi quan trọng nhằm giữ gìn bản sắc, khơi dậy niềm tự hào và góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Trước khi sáp nhập tỉnh thành, tính đến năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau (cũ), có 55 di tích được xếp hạng (có 12 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh). Đáng chú ý, một số di tích quốc gia và cấp tỉnh được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Địa phương cũng phối hợp tổ chức hoạt động ngoại khoá cho các đối tượng là học sinh, đoàn thanh niên, các đoàn khách đến tham quan.
Sau giai đoạn sáp nhập với tỉnh Bạc Liêu, với tên gọi tỉnh mới là tỉnh Cà Mau, địa phương tiếp tục phát huy và đẩy mạnh công tác bảo vệ các di tích, địa chỉ đỏ. Đơn cử như tại di tích khảo cổ Vĩnh Hưng ở xã Châu Thới, tỉnh Cà Mau (trước đây thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), địa phương đã triển khai công tác duy tu bảo tồn.
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng vào ngày 26/4/2025. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân địa phương mà còn góp phần thiết thực trong việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa vật thể của Việt Nam.
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được xác định có niên đại từ thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo, tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách thành phố Bạc Liêu - Trung tâm tỉnh Bạc Liêu (cũ) khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Tháp Vĩnh Hưng còn có tên gọi khác là tháp Trà Long, Lục Hiền. Từ tư liệu khảo cổ học có thể thấy, tháp Vĩnh Hưng có quy hoạch tổng thể được sử dụng trong thời gian khá dài, với nhiều lần trùng tu, sửa chữa bởi các cộng đồng cư dân cổ.
Di tích khảo cổ tháp Vĩnh Hưng.
Tháp Vĩnh Hưng đã qua 3 lần khai quật, khảo cổ vào các năm 2002, 2006, 2011. Hiện vật phát hiện được qua các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ tại di tích với số lượng lớn, phong phú về thể loại, chất liệu giúp nhận diện, khẳng định giá trị của Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng trong hệ thống di sản văn hóa của dân tộc. Trong số hiện vật được tìm thấy tại Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đã có 5 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia: Tượng Sadasiva được công nhận năm 2015; tượng Nam thần được công nhận năm 2015; tượng Nữ thần Parvati được công nhận năm 2015; tượng Nam thần trang trí nhiều mô tuýp được công nhận năm 2020; tượng nữ thần UMA được công nhận năm 2023.
Về kết cấu, móng tháp Vĩnh Hưng sử dụng xen kẽ đá, gạch để chống sụp lún. Kiến trúc tháp có hình vuông, có bẻ góc phía trước và phía sau, có 3 lần bẻ góc đối xứng nhau cả phía trước lẫn phía sau.
Bình đồ và vật liệu kiến trúc cùng những tàn tích trong sinh hoạt cho thấy, các vết tích văn hóa vật chất tìm được ở tháp Vĩnh Hưng mang đậm sắc thái văn hóa, kỹ thuật ở vùng Đồng bằng Nam Bộ trong cùng một bình tuyến và truyền thống phát triển. Tháp Vĩnh Hưng có diện tích bình diện khá lớn (chiều Đông - Tây rộng 191m, chiều Bắc - Nam dài 6,9m) và được xây cao hơn 10m với các bức tường gạch khá dày, tạo ra một tải trọng hàng vạn tấn sau khi xây dựng xong.
Được biết tháp được xây dựng trên nền đất yếu, việc sử dụng móng dàn trải trên một không gian rộng để chống sụp lún là giải pháp thông minh của cư dân xưa. Sau hơn một nghìn năm tồn tại, độ lún của tháp không đáng kể. Phía bên trong lòng tháp Vĩnh Hưng thờ biểu tượng Linga - Yoni, đây là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo. Trước đó, tại buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, Lãnh đạo HĐND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các cơ quan khẩn trương xây dựng Quy hoạch di tích, kịp thời xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích. Từ đó nhằm phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, từng bước xây dựng nơi đây trở thành Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nền văn hóa Óc Eo của khu vực Nam Bộ.
Du khách tham quan, tìm hiểu về các hiện vật, bảo vật quốc gia được tìm thấy trong khu vực tháp Vĩnh Hưng. (Ảnh: HH).
Nhất là triển khai tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và đoàn thể các cấp thường xuyên có kế hoạch tổ chức về nguồn, viếng thăm di tích.
Công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch là hai yếu tố thường gắn chặt cùng nhau, nhất là đối với các di sản có bề dày văn hóa lịch sử, kiến trúc độc đáo như tháp Vĩnh Hưng. Bên cạnh đó, quá trình khai thác có hiệu quả từ di tích lịch sử, văn hóa góp phần rất quan trọng trong việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cũng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tế, tránh để di tích xuống cấp hoặc bị lãng quên. Việc gắn kết giữa bảo tồn và khai thác du lịch theo hướng bền vững không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa không chỉ là trách nhiệm đối với quá khứ mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Với Cà Mau vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa đặc sắc, công tác này càng mang ý nghĩa đặc biệt.
Mỗi di tích là một câu chuyện lịch sử, một phần ký ức dân tộc được lưu giữ qua thời gian, góp phần hình thành bản sắc riêng của địa phương. Do đó, bảo tồn di tích không chỉ dừng lại ở việc trùng tu công trình, mà còn cần gắn liền với việc truyền tải thông điệp lịch sử đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân để bảo vệ di sản một cách hiệu quả. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hóa – lịch sử gắn với các di tích, vừa tạo điều kiện thu hút du khách, vừa nâng cao giá trị kinh tế và ý nghĩa giáo dục của các công trình. Việc ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu di tích, đa dạng hóa hình thức truyền thông cũng là hướng đi phù hợp với xu thế hiện đại.
Bảo tồn di tích là bảo tồn ký ức, giữ gìn linh hồn của vùng đất. Khi những giá trị ấy được gìn giữ và lan tỏa, Cà Mau không chỉ khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch văn hóa, mà còn vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Đây chính là hành trình gắn kết giữa quá khứ – hiện tại – tương lai một cách sống động và bền vững.
Bình Thanh
Bình luận