Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ sáu, 11/07/2025 12:07
TMO - Những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng nhiều nội dung trong định hướng thúc đẩy phát triển du lịch, gắn với việc chăm sóc và bảo vệ rừng, qua đó phát huy hiệu quả giá trị đa dụng từ rừng tại Vườn quốc gia.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích 56,249 nghìn héc ta, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi (thuộc địa bàn các xã Sa Thầy, Rờ Kơi, Mô Rai, Ya Ly, Sa Loong và Bờ Y). Vườn quốc gia này có nguồn tài nguyên sinh học rất đa dạng, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm; hệ thống thác nước hùng vĩ, lộng lẫy như thác Khỉ, thác Nàng Tiên, thác Hang Dơi, thác Chàng, thác Bêrê Y, thác 7 tầng,...
Năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Nằm ở độ cao từ 200m đến 1.773m so với mực nước biển, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ, vườn tồn tại 12 kiểu rừng khác nhau, từ rừng kín nguyên sinh lá rộng thường xanh, rừng rêu thứ sinh, đồng cỏ, qua đó tạo nên sự đa dạng trong động, thực vật tại Vườn.
Với những giá trị tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, Vườn quốc gia Chư Mom Ray sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên bền vững (Ảnh: DN).
Bên cạnh những cảnh quan đẹp, chung quanh Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có các căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra,...Khu vực này còn có Di chỉ khảo cổ Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy và bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Gia Rai, Rơ Măm, Brâu vẫn còn được lưu giữ bảo tồn…,
Đây là điều kiện thuận lợi để Vườn quốc gia Chư Mom Ray phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và gìn giữ văn hóa truyền thống.
Trong Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu “Xây dựng Vườn quốc gia Chư Mom Ray thành một trung tâm du lịch sinh thái, kết nối với các tour du lịch của tỉnh và của cả nước có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch và kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước liên doanh, liên kết đầu tư vào Vườn quốc gia Chư Mom Ray”.
Bên cạnh đó, việc khai thác các giá trị tài nguyên sinh thái, hệ động vật, thực vật rừng và những đặc điểm nổi bật của vườn quốc gia thu hút khách du lịch, làm cơ sở quy hoạch phát triển du lịch sinh thái toàn vùng, góp phần tăng nguồn thu để tái đầu tư cho công tác bảo tồn, góp phần định hình cơ chế tài chính, giảm dần kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong khu vực.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có giám sát các loài động vật hoang dã qua bẫy ảnh được đẩy mạnh triển khai (Ảnh: ĐN).
Những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray luôn tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên. Từ năm 2020 đến nay, tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray không xảy ra vi phạm và không xảy ra cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Đơn vị đã phối hợp, thực hiện hoàn thành việc điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững cho các loài bò tót, đỉnh tùng, lan hài, cốt toái bổ; đồng thời triển khai lắp đặt, quản lý và vận hành 320 thiết bị bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học.
Hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chuyên đề về điều tra, giám sát đa dạng sinh học. Việc thực hiện các chuyên đề giúp đơn vị có cơ sở khoa học để xây dựng bản đồ phân bố và lên kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo vệ, bảo tồn bền vững các loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm...
Thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện nhiều giải pháp: Thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua các mô hình đồng quản lý đối với người dân vùng giáp ranh với các khu bảo tồn.
Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để phát triển sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế kết hợp chăn nuôi... nhằm tạo thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học , bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững các giá trị, tài nguyên của đa dạng sinh học, chính quyền các địa phương cần tăng cường truyền thông về đa dạng sinh học, trong đó có việc lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống trường học..., nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát triển và bảo vệ diện tích các hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm tính toàn vẹn đa dạng sinh học. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng xây dựng kế hoạch và tham mưu tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh.../.
Khánh Ly
Bình luận