Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 10:11
Chủ nhật, 15/10/2023 06:10
TMO - Việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông góp phần tạo ra sự thay đổi và làm nên sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề sử dụng hài hòa nguồn nước, cải thiện môi trường nước…
Tài nguyên nước là thiết yếu cho sự sống và sức khỏe của tất cả mọi người, cho phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước, khác với các dạng tài nguyên khác, tài nguyên nước trên một lưu vực sông không thể bị chia cắt theo ranh giới hành chính. Từ thực trạng quản lý tài nguyên nước thế giới và ở Việt Nam cho thấy quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông một cách có hiệu quả là cách tiếp cận phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của Việt Nam.
Cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước giúp quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững, cân bằng và xem xét toàn diện các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Cách tiếp cận này cũng nhìn nhận các nhóm lợi ích, các ngành kinh tế sử dụng và khai thác nguồn nước, các nhu cầu của môi trường và các xung đột khác nhau. Bên cạnh đó giúp điều phối công tác quản lý tài nguyên nước giữa các ngành và các nhóm lợi ích ở các quy mô khác nhau, từ quy mô địa phương đến quốc tế.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhấn mạnh đến sự liên quan của các quá trình làm luật và ra xây dựng các chính sách quốc gia, thiết lập cách quản trị tốt, và hỗ trợ sắp xếp thể chế và điều hành hiệu quả trong một quy trình nhằm tạo ra các quyết định công bằng và bền vững hơn thông qua sử dụng một loạt các công cụ, như đánh giá xã hội và môi trường, các công cụ kinh tế và các hệ thống giám sát và cung cấp thông tin.
Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông góp phần tạo ra sự thay đổi và làm nên sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề sử dụng hài hòa nguồn nước, cải thiện môi trường nước…
Quan điểm quản lý tổng hợp, toàn diện tài nguyên nước đã được luật hóa và được quy định trong Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 và Dự thảo Luật tài nguyên nước sửa đổi. Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước đã được quy định tại là: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính (Khoản 1, Điều 3).” và “Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác” (khoản 2, Điều3).
Việt Nam có 13 sông là dòng chính các lưu vực sông lớn cần được xem xét, phân tính, đánh giá và xây dựng các giải pháp trong các bản quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đến nay, đã có 5/13 lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm: lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Srepok, lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đối với các sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023. Ngoài ra, đối với các lưu vực sông còn lại, Bộ TN&MT đã lên kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện và dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ quy hoạch tổng hợp trên 13 lưu vực sông liên tỉnh, sông lớn.
Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nhằm dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các mức bảo đảm khác nhau cho từng giai đoạn của quy hoạch. Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
Đối với miền Trung, Tây nguyên, Quy hoạch lưu vực sông sẽ góp phần quan trọng giúp phòng, chống khô hạn và điều tiết nước. Trong đó, với việc đưa ra các trường hợp về quản lý điều hòa lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên toàn lưu vực ứng với các mức bảo đảm khác nhau để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt có xét đến trong trường hợp xảy ra thiếu nước để có các biện pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước hài hòa giữa các đối tượng khai thác, sử dụng, giữa các vùng, khu vực trên lưu vực sông.
Viện Khoa học tài nguyên nước cho biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng, hoàn thiện góp phần giải quyết những thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực sông. Theo đó, về phạm vi lập quy hoạch gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương, và các lưu vực lân cận gồm: lưu vực sông Ô Lâu, vùng cát ven biển Phong - Quảng Điền, lưu vực sông Nông, sông Truồi, sông Bù Lu, lưu vực sông A Sáp. Phạm vi địa giới hành chính của quy hoạch gồm: 9 huyện, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Phú Lộc, thành phố Huế và huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương được xây dựng và lấy ý kiến góp ý dự thảo hướng đến mục tiêu phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương. Ảnh: VT.
Dự thảo Quy hoạch hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với hợp tác song phương mà Việt Nam đã tham gia. Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, bảo vệ chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy, các nguồn nước có chức năng điều hòa (sông, hồ, ao,…), các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa nhằm từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo Quy hoạch hướng tới phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên lưu vực sông; kết hợp phòng, chống sạt, lở bờ sông có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông.
Cùng với đó, phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên lưu vực sông; kết hợp phòng, chống sạt, lở bờ sông có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông. Bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh tài nguyên nước, nâng cao giá trị của nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Theo đó, nội dung chính của dự thảo Quy hoạch gồm: Chức năng nguồn nước; quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển KT-XH trên lưu vực sông; quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông; nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất; giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước.
Về giải pháp thực hiện, dự thảo Quy hoạch tập trung vào các giải pháp tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước; Điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; các giải pháp về phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Nguyễn Thủy
Bình luận