Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 05:11
Thứ năm, 29/09/2022 04:09
TMO - Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất tại các địa phương, thời gian qua tỉnh Bình Phước triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng hạ tầng thủy lợi, đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Bình Phước có diện tích mặt nước nội địa lên đến hơn 28.300 ha. Trong đó, diện tích mặt nước trên các hệ thống sông, suối, kênh, rạch gần 7.200 ha, phần còn lại là ao, hồ. Với sự phát triển mạnh mẽ cả về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, Bình Phước được nhận định là tỉnh thiếu nước cho các hoạt động này.
Theo thống kê, diện tích tưới chủ động trên địa bàn tỉnh khoảng 43.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích cây trồng trong tỉnh. Hiện Bình Phước thiếu khoảng 250 triệu mét khối nước mỗi năm cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Trong bối cảnh tài nguyên nước đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, áp lực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thì việc bảo vệ tài nguyên nước đang được tỉnh Bình Phước triển khai thông qua khảo sát, đánh giá trữ lượng, đánh giá các nguồn nguy cơ ô nhiễm, đồng thời quy hoạch vị trí khai thác, hạn mức khai thác với các kế hoạch bài bản, dài hạn.
Bình Phước đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh gồm 315 đoạn sông, suối và 39 hồ chứa trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, thành phố Đồng Xoài bao gồm 20 đoạn sông, suối và 01 hồ chứa (hồ Tân Lợi chung với huyện Đồng Phú); Huyện Đồng Phú: 38 đoạn sông, suối và 05 hồ chứa; Huyện Chơn Thành: 24 đoạn sông, suối; Huyện Hớn Quản: 28 đoạn sông, suối và 05 hồ chứa; Thị xã Bình Long: 08 đoạn sông, suối và 01 hồ chứa.
Cùng với đó, huyện Lộc Ninh: 42 đoạn sông, suối và 07 hồ chứa; Huyện Bù Đốp: 14 đoạn sông, suối; Thị xã Phước Long: 12 đoạn sông, suối và 01 hồ chứa; Huyện Phú Riềng: 28 đoạn sông, suối và 09 hồ chứa; Huyện Bù Đăng: 66 đoạn sông, suối và 08 hồ chứa; Huyện Bù Gia Mập: 35 đoạn sông, suối và 02 hồ chứa.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1550/QĐ-UBND phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gói thầu: Vận hành mạng quan trắc động thái nước dưới đất năm thứ XVI (7/2021 – 6/2022) và tổ chức triển khai thực hiện; Quyết định số 1327/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án xây dựng bổ sung mạng quan trắc động thái nước dưới đất (04 lỗ khoan).
Cùng với việc triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh Bình Phước chú trọng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bình Phước, hiện nay địa bàn tỉnh có 73 hồ, đập lớn nhỏ, khoảng 30 công trình đã sử dụng từ 15-20 năm, nhưng chưa được duy tu, sửa chữa.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 41 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong số các công trình đưa vào sử dụng có 8 công trình hoạt động bền vững, 4 công trình hoạt động tương đối bền vững, 20 công trình kém bền vững, 8 công trình không hoạt động, nguyên nhân là do thiếu nhân sự quản lý.
Bình Phước là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với trên 457.000 ha; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600 ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800 ha. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha. Đối với cây trồng chủ lực của tỉnh, cây cao su chiếm diện tích lớn nhất với 246.659 ha, cây điều 139.868 ha (chiếm 50% diện tích, 50% sản lượng điều của cả nước), hồ tiêu 15.900 ha, cây ăn quả các loại chiếm diện tích 12.300 ha.
Xác định thủy lợi có vai trò rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp địa phương, UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt đề án nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.
Việc nâng cấp hạ tầng thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh
Đề án được triển khai nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm giai đoạn 2026-2030. Bên cạnh, việc mở rộng các tuyến ống truyền tải cấp nước trên địa bàn, nhằm từng bước hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung, hỗ trợ để cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đầu tư xây mới 12 công trình thủy lợi, trong đó có 4 dự án được bố trí nguồn vốn từ Trung ương và vốn vay ODA, 8 dự án do tỉnh Bình Phước bố trí vốn. Giai đoạn 2026 – 2030 đầu tư xây dựng mới 6 dự án và 17 công trình nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả của công trình. Giai đoạn này tỉnh đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với công trình cấp nước, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước đầu tư mới và nâng công suất 19 công trình nhà máy nước chính với tổng công suất thiết kế 473.400 m3/ngày đêm; công suất cấp nước thực đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm. Đến giai đoạn 2025-2030, nâng công suất tổng thiết kế lên 722.900 m3/ngày đêm, công suất cấp nước thực đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm. Đồng thời, đấu nối mở rộng các tuyến ống của các nhà máy nước hiện hữu.
Bích Hà
Bình luận