Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 01:01
Thứ tư, 12/10/2022 03:10
TMO - UBND tỉnh Kon Tum cho biết, việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt tại tỉnh Kon Tum suy giảm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trạng trên, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
Nguồn nước giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đối với hoạt động sản xuất, trên địa bàn tỉnh hiện có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 329,4 MW; 11 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng với tổng công suất 186,1MW; 38 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng với tổng công suất 335,6 MW. Bên cạnh đó, trong phạm vi tỉnh hiện nay có 26 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây tình trạng suy kiệt nguồn nước diễn ra tại nhiều địa phương. Lượng nước ở các ao, hồ, sông, suối giảm mạnh. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, tỉnh đã thực hiện giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp
UBND tỉnh đã phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước các công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, nhà máy chế biến, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT triển khai thực hiện các bước công việc tiếp theo; tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia (nước mặt) và xây dựng, ban hành Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 197 hồ, ao thuộc Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. UBND tỉnh giao Sở TN&MT công bố Danh mục đã được phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện, và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở TN&MT Kon Tum chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định; điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt, xã đặc biệt khó khăn và khó khăn.
Việc vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi góp phần khai thác, điều tiết hợp lý nguồn nước
Tại Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù của địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên nước, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Thông qua điều tra tài nguyên nước, Kon Tum sẽ tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, phục vụ khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông.
Kế hoạch điều tra tài nguyên nước tỉnh Kon Tum chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, Kon Tum sẽ xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước;
Xây dựng và tổ chức thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước tỉnh Kon Tum giai đoạn đến năm 2025; đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt; thực hiện việc công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản, lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt; đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt theo từng giai đoạn trên các nguồn nước nội tỉnh; điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ưu tiên đối với các hồ có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên; tổng hợp, đánh giá diễn biến lượng trữ nước của các hồ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Giai đoạn 2026-2030, Kon Tum sẽ xây dựng mực nước tương ứng cấp báo động lũ trên các sông, suối chính; điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000; công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản, lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt;
Đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt giai đoạn 10 năm; tổ chức trám lấp các giếng, điểm khai thác nước dưới đất thuộc danh mục cấm, hạn chế khai thác; triển khai tìm kiếm nguồn nước thay thế để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho cộng đồng tại khu vực bị hạn chế khai thác nước dưới đất. Thực hiện việc công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định; điều tra, đánh giá, tính toán, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở các sông, suối nội tỉnh.
Nâng cao tỷ lệ nước sạch nông thôn góp phần hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh
Cùng với các giải pháp trên, UBND tỉnh Kon Tum nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về nước sạch nông thôn. Theo đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2030 55% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người; 70% hộ gia đình nông thôn, 100% trường học; 80% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; phấn đấu 10% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 5% nước thải sinh hoạt được xử lý; 60% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2045, Kon Tum phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. lồng ghép xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, lũ, ngập lụt, úng trong vùng bị ảnh hưởng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, xây dựng lộ trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với kết cấu hạ tầng nông thôn; hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư.
Lê Hồng
Bình luận