Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ tư, 06/11/2024 06:11
TMO - Tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định đang được quản lý, khai thác, sử dụng ngày một chặt chẽ, hiệu quả, đây chính là nguồn lực quan trọng để địa phương phát triển mọi lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội có bước đột phá.
Để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, những năm qua, tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó tạo thuận lợi trong việc định hướng, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để nhà nước thống nhất quản lý về đất đai; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật về đất đai quy định.
Mới đây nhất, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Nam Định đã ban hành 2 văn bản quy định về một số nội dung liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp; văn bản chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, tại Quyết định số 44/2024/QĐ-UBND, ngày 28/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất chưa sử dụng và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định số 44, hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang, không có tranh chấp, thì được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 176 Luật Đất đai.
Đối với trường hợp đất nông nghiệp do tự khai hoang nhưng vượt hạn mức giao thì diện tích vượt phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước. Đối với đất chưa sử dụng, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, khả năng quỹ đất chưa sử dụng của địa phương, nhu cầu sử dụng đất của cá nhân trong phạm vi địa giới hành chính xã, phường, thị trấn thì cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể được giao tối đa 2ha cho mỗi loại đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, hoặc làm muối.
(Ảnh minh hoạ).
Giao tối đa 10ha đất trồng cây lâu năm; tối đa 30ha đối với mỗi loại đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 của Luật Đất đai năm 2024.
Còn tại Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND, ngày 28/10/2024, quy định về diện tích đất được sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định quy định rõ, đối với đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai, người sử dụng đất nông nghiệp (không bao gồm đất trồng lúa) là cá nhân được sử dụng không quá 5% diện tích của khu đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không quá 2.000m2.
Đối với công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, diện tích xây dựng công trình không vượt quá 500m2; vị trí xây dựng công trình không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, giao thông nội đồng, diện tích đất trồng lúa liền kề; việc xây dựng phải bảo đảm tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP, ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa; mục đích sử dụng của công trình được xây dựng chỉ được sử dụng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Theo Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, các quyết định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất đai; đồng thời thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, hỗ trợ cho người dân trong việc khai thác tối ưu tiềm năng quỹ đất.
Để công tác quản lý đất đai tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Nam Định trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai của các đơn vị sử dụng đất tại các địa phương; làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định chi tiết cho từng loại đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công, gia tăng hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp. Điều này giúp tối ưu hóa giá trị đất đai, tạo đà phát triển cho nông dân và các chủ thể sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đình Tuấn
Bình luận