Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 24/01/2024 14:01
TMO - Việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn góp phần khai thác, sử dụng chất thải phục vụ quá trình tái chế, tái sử dụng.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê sơ bộ trên thế giới cho thấy, đến nay, ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình.
Kể từ năm 2020, kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142). Tại Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 trước ngày 31/12/2023. Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 đang được xây dựng hướng đến mục tiêu chung nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, thực hiện các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu theo các năm; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Phát triển giải pháp kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu gom, tái chế rác thải (EPR) có 2 nội dung chính gồm: Trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý. Đối với trách nhiệm tái chế, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức là tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Đối với trách nhiệm xử lý, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính đối với trường hợp sản phẩm, bao bì, bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Ước tính, mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 64 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt và con số này không ngừng tăng qua các năm. Để xử lý lượng rác thải này, cả nước đã có hơn 1,3 nghìn cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm các lò đốt rác, dây chuyền chế biến phân compost và bãi chôn lấp. Khoảng 85% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này vừa khiến rác thải có nguy cơ tiếp tục gây ra ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và không khí, vừa phí phạm một lượng lớn tài nguyên, bởi rất nhiều rác thải có thể được xử lý thành phế liệu có giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào tái chế, tái sản xuất. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của rác thải, ngành công nghiệp tái chế cũng đã xuất hiện và không ngừng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đa phần nhỏ lẻ, tự phát, ít có sự phát triển về quy trình và công nghệ, lại gặp thách thức lớn đến từ hệ thống thu gom, phân loại và xử lý chất thải còn nhiều vướng mắc.
Quyết định số 2149/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ thu gom và xử lý 100% chất thải rắn đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định quốc gia vào năm 2050, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào việc chôn lấp chất thải rắn, chất thải hữu cơ và chất thải có thể tái chế. Để hiện thực hóa mục tiêu, Chính phủ đang tích cực nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn và cung cấp ưu đãi cho các dự án quản lý chất thải. Những biện pháp này có thể thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển và thực hiện các giải pháp xử lý chất thải bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy các chính sách khuyến khích hợp tác thông qua Quan hệ đối tác công tư (PPP). Cách tiếp cận này là một hướng đi đầy hứa hẹn đối với sự phát triển quản lý chất thải. PPP cho phép các nhà đầu tư hợp tác với các cơ quan chính phủ hoặc chính quyền địa phương để thiết lập các dự án cơ sở hạ tầng quản lý chất thải.
Sau khi phân loại rác, túi nilon sẽ được vào xử lý làm sạch trước khi sản xuất hạt nhựa tại nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Ở Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những mô hình kinh tế ưu tiên để thực hiện định hướng quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Việt Nam đã ban hành các chủ trương, định hướng phát triển KTTH trong hệ thống chính sách và văn bản pháp luật. Với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, cùng sự tham gia và đóng góp của các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến này, Viện đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH với đầy đủ nội dung, khá tương đồng với xu hướng quốc tế.
Dự thảo kế hoạch đã đề xuất 5 nhóm quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phân kỳ theo 2 giai đoạn đến 2025 và đến 2030, 16 chỉ tiêu cụ thể; 5 chủ đề, 15 nhóm nhiệm vụ và 45 hoạt động. Kế hoạch có mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng KTTH; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Kế hoạch sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện KTTH; Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; Quản lý chất thải để thực hiện KTTH; tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH. Các ngành lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH, bao gồm: Nông - Lâm - Ngư nghiệp; Năng lượng; Khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo, hoá chất; Xây dựng và giao thông vận tải; Quản lý chất thải gồm chất thải rắn, nước thải và khí thải; Lĩnh vực trung gian, cộng sinh như thương mại dịch vụ, du lịch...
Thanh Hương
Bình luận