Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ tư, 14/06/2023 08:06
TMO - Để đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, UBND tỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác chỉ đạo quản lý việc cấp phép và hoạt động khai thác khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả theo định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, trên toàn tỉnh có 557 khu mỏ, cụ thể: Các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường, đã quy hoạch có 233 mỏ, diện tích khoảng 2.469ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m3; trong đó: Mỏ đất san lấp có 156 mỏ, tài nguyên dự báo 183 triệu m3; Mỏ đất đắp đê: có 17 mỏ, tài nguyên dự báo 26 triệu m3; Mỏ đất sét sản xuất gạch tuynel: có 60 mỏ, trữ lượng 26 triệu m3. Mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường: Có 187 khu mỏ, tài nguyên dự báo khoảng 584 triệu m3; Mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho tỉnh: có 13 khu mỏ, trữ lượng khoảng 649.351 tấn; Cát làm vật liệu xây dựng: Có 124 mỏ, điểm mỏ; với tổng diện tích 571ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3.
Hiện nay, toàn tỉnh có 330 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh đã cấp phép còn hiệu lực, gồm có đá làm vật liệu xây dựng thông thường 222 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190 triệu m3, tổng công suất khoảng 8,25 triệu m3/năm. Cát làm vật liệu xây dựng thông thường 29 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 7,9 triệu m3, tổng công suất năm 0,757 triệu m3/năm. Đất làm vật liệu san lấp 45 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 38 triệu m3, công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm. Đất san lấp cấp cho dự án đường cao tốc 2 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 4,4 triệu m2, công suất khoảng 3,788 triệu m3/năm...
UBND tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, làm căn cứ cho công tác quản lý.
UBND tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, như: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm VLXD thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất sét làm gạch, ngói nung tuynel tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Quy hoạch các mỏ đất làm vật liệu đắp đê tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030...
Đồng thời, phê duyệt một số quy hoạch phát triển VLXD, như: Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đối với 07 nhóm vật liệu xây dựng (vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông, tấm thạch cao, vôi công nghiệp); Đề án phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đối với 14 nhóm VLXD (xi măng; gạch gốm ốp lát; đá ốp lát; sứ vệ sinh; kính xây dựng; gạch đất sét nung; vật liệu xây không nung; vật liệu lợp; đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; vật liệu san lấp; bê tông; vôi công nghiệp; các loại vật liệu hữu cơ, vật liệu thay thế, vật liệu đặc biệt cho khu vực biển và hải đảo...). Từ những quy hoạch này làm căn cứ để ngành chức năng quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, nhất là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số đơn vị khai thác mỏ chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, còn nhiều tồn tại, hạn chế như khai thác ra ngoài vị trí mỏ được cấp; khai thác vượt công suất; chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan đến môi trường; việc lắp đặt trạm cân còn hạn chế. Quá trình khai thác, vận chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông...
Nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động đấu giá đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực khai khoáng.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc chấp hành lắp đặt trạm cân và camera để giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ để kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những giải pháp quan trọng nhằm siết chặt quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TN&MT đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ảnh của báo chí, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Qua thanh, kiểm tra Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2022 Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền 2,619 tỷ đồng. Ngoài ra một số đơn vị, cá nhân khai thác trái phép, ra ngoài mốc giới mỏ được cấp, hiện cơ quan công an đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Từ đầu năm 2023 đến nay các phòng, ban chuyên môn của Sở TN&MT cũng đã thực hiện 3 cuộc kiểm tra đột xuất, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thông tin đến các cơ quan báo chí và người dân; từ đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Để việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả và bền vững, ngành chức năng, chính quyền, các doanh nghiệp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này cho đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân; quan tâm rà soát nắm rõ quy hoạch để có sự đánh giá sát với thực tế, tránh thất thoát tài nguyên. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, quyết liệt hơn. Kiên quyết xử lý nghiêm việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản mà không có biện pháp ngăn chặn xử lý triệt để.
Lê Phong
Bình luận