Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 08:01
Thứ ba, 13/06/2023 13:06
TMO - Hiện nay và tương lai xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng rõ rệt, thậm chí hàng hóa, dịch vụ xanh trở thành tiêu chí hàng đầu trong các giao dịch thị trường nội địa và quốc tế, tạo nên sức ép ngày càng tăng tới sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Xanh hóa sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu giữ vai trò quan trọng trong xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay (Ảnh minh họa).
Biến đổi khí hậu với xanh hóa sản xuất
Biến đổi khí hậu được coi là thách thức to lớn, nghiêm trọng đối với tiến trình phát triển bền vững của toàn cầu, đặc biệt đối với Việt Nam. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu ban hành kèm theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ của nước ta đã xác định: “Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn” và định hình thành các quan điểm chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cho tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050), trong đó có quan điểm riêng về trách nhiệm của các ngành sản xuất và doanh nghiệp với biến đổi khí hậu với yêu cầu “chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 như là sự cụ thể hóa thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu xác định 3 nhiệm vụ chiến lược, trong đó có nhiệm vụ xanh hóa sản xuất. Nhiệm vụ này được triển khai với một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Xanh hóa sản xuất là quá trình làm cho sản xuất trở nên thân thiện hơn với tài nguyên và môi trường. Xanh hóa sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn được yêu cầu không chỉ ngày càng thân thiện hơn với tài nguyên và môi trường mà còn cải thiện thực trạng và diễn tiến của tình trạng nóng dần lên của khí hậu trái đất – tác nhân chính của các tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống của trái đất – thông qua giảm phát thải khí nhà kính và thích nghi, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu như trước đây xanh hóa sản xuất tập trung chủ yếu vào giảm áp lực tới tài nguyên và môi trường, cụ thể là sản xuất sao cho “sạch hơn” thì nay xanh hóa sản xuất còn phải “phát thải ít carbon hơn”. Trong các tài liệu khoa học và quản lý phát triển đã xuất hiện thuật ngữ xã hội carbon thấp, nền kinh tế carbon thấp để chỉ xã hội hay nền kinh tế có mức phát thải khí nhà kính thấp trong khi vẫn duy trì phát triển/tăng trưởng theo các mục tiêu của mình.
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của con người và sinh vật trên trái đất, trong đó đe dọa tới nguồn cung cấp đầu vào (tài nguyên tự nhiên) và các điều kiện khác (cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông vận tải...) cho hoạt động sản xuất. Nguyên nhân, tác nhân chính của biến đổi khí hậu như khoa học đã kết luận, là lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển đã tích tụ thời gian quá lớn, làm thủng tầng ozone bảo vệ Trái Đất. Giảm lượng phát thải khí nhà kính là con đường duy nhất để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất hiện được xác định là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất và gia tăng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do tăng trưởng của sản xuất thế giới ngày càng được đẩy nhanh, nhất là các nền kinh tế mới nổi.
Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng sản xuất này lại được hỗ trợ bởi sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, của quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, của nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và thậm chí cả lối sống không thân thiện với môi trường. Xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng và lối sống được xác định là phương thức phát triển tốt nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nhìn từ góc độ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, xanh hóa có nghĩa là ít phát thải, trong đó có phát thải khí nhà kính.
Cuộc chiến mà các quốc gia trên thế giới hiện nay đang tập trung cố gắng nỗ lực đạt được có mục tiêu trọng tâm là làm giảm phát thải khí nhà kính để giới hạn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm ở mức 2 độ C, cố gắng chỉ ở mức 1,5 độ C (Thỏa thuận khí hậu Paris). Ngay sau đó, các nhà chính trị, khoa học và quản lý trên thế giới đều nhận định: “Đây là cơ hội tốt nhất để cứu Trái Đất” khỏi bị diệt vong. Vì thế, doanh nghiệp có sứ mạng quan trọng hàng đầu trong thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris thông qua xanh hóa hoạt động sản xuất của mình.
Trong nền kinh tế định hướng xanh, xanh hóa sản xuất khác với sản xuất sạch hơn và các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường ở chỗ coi các chỉ tiêu phát thải nhất là phát thải khí nhà kính và hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng ngang bằng với các chỉ tiêu về kinh tế. Nghĩa là các chỉ tiêu về tài nguyên, môi trường của sản xuất không chỉ giúp tăng các chỉ tiêu kinh tế (do tiết kiệm chi phí) cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào bảo vệ tài sản chung, nền tảng chung cả cho phát triển bền vững đất nước và phát triển bền vững doanh nghiệp.
Sản xuất xanh góp phần tạo nên chất xanh cho nền kinh tế. Sự xanh hóa sản xuất của doanh nghiệp trong cạnh tranh thị trường thường vấp phải những trở ngại, cản trở làm nản lòng, thậm chí buộc doanh nghiệp lựa chọn nâu thay vì xanh hóa. Ủy ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) trong cuốn sách Lộ trình tăng trưởng xanh carbon thấp đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Biến trở ngại nguồn lực và khủng hoảng khí hậu thành cơ hội tăng trưởng kinh tế đã khái quát và lưu ý 4 trở ngại đối với doanh nghiệp trong xanh hóa sản xuất của mình:
Thứ nhất, khoảng cách thời gian và giá cả: Lợi nhuận từ xanh hóa thường đến trong dài hạn trong khí các khoản đầu tư của doanh nghiệp thường được kỳ vọng đem lại lợi nhuận trong ngắn hạn, trung hạn. Thêm vào đó, có cả những rủi ro lợi nhuận có thể lại rơi vào tay kẻ thứ ba mà không hẳn là vào tay người đã đầu tư. Còn một khi chi phí về tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa được phản ánh trên thị trường thì việc xanh hóa của doanh nghiệp chưa thể có động lực thúc đẩy, nghĩa là xanh hóa của doanh nghiệp cần được gắn với xanh hóa thị trường.
Thứ hai, tính bất định, không chắc chắn: Không ít doanh nghiệp sẵn sàng xanh hóa nhưng lại chờ đợi các tín hiệu rõ ràng từ Chính phủ và thị trường. Các nhà hoạch định chính sách thường đắn đo trong lựa chọn các phương án sao cho vừa hướng tới các mục tiêu môi trường, lại vừa thân thiện với doanh nghiệp (tức là không ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp), đánh thuế carbon là một ví dụ.
Thứ ba, bí quyết sản xuất: Xanh hóa cần các công nghệ tiên tiến và đối với các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bí quyết công nghệ là mối quan tâm nhưng lại thường không dễ dàng có được. Thứ tư là nhận thức của người tiêu dùng: Phần đông người tiêu dùng còn ít có hoặc có hiểu biết không đầy đủ về sản phẩm xanh, thậm chí khi họ có hiểu biết thì cũng chưa chắc chắn dễ dàng tìm được sản phẩm phù hợp với giá cả hợp lý.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, các trở ngại nói trên hoàn toàn đúng và hiện hữu. Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam, có lẽ còn bổ sung 2 trở ngại nữa là: Khả năng đầu tư cho các công nghệ xanh, sản phẩm xanh còn rất hạn chế: Khoảng 95% doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với số vốn chỉ từ khoảng 3-100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng của người sản xuất (doanh nghiệp) còn hạn chế: Sự sẵn sàng này bao gồm cả nhận thức lẫn chiến lược với tầm nhìn dài hạn cho quá trình xanh hóa sản xuất của mình. Môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập và cạnh tranh khốc liệt làm cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ nước ta hiện mới quan tâm chủ yếu là làm sao tồn tại, đứng vững được hơn là hướng vào xanh.
Theo Tổng cục Thống kê, dù số doanh nghiệp thành lập mới vượt mốc 110.100 doanh nghiệp vào năm 2016 và tăng lên 126.859 doanh nghiệp trong năm 2017 nhưng cũng trong 2 năm này, số doanh nghiệp, phá sản, dừng hoạt động khá nhiều, lần lượt là 73.000 doanh nghiệp và 60.600 doanh nghiệp. Tính chung quý I/2023 cả nước còn gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập vốn tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp và giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12.8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, với các thách thức nêu trên,để doanh nghiệp nước ta biến trở ngại thành nguồn lực và khủng hoảng khí hậu thành cơ hội tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững như ESCAP kêu gọi (Đảng và Nhà nước ta cũng mong muốn, định hướng) thì cần phải có sự nỗ lực, chung tay cao độ của tất cả các bên liên quan: nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong đó tầm nhìn dài hạn của tất cả các bên liên quan theo các tác giả, có tầm quan trọng hàng đầu, trong đó tầm nhìn dài hạn của Nhà nước tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi lâu dài cho doanh nghiệp, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp là tạo nên chiến lược đầu tư xanh bài bản, vững chắc để sản xuất hàng hóa xanh cho thị trường, và xu hướng xanh trong tiêu dùng của xã hội sẽ dẫn dắt nguồn cung hàng hóa, dịch vụ xanh từ phía doanh nghiệp. Đây là quy luật xanh từ phía doanh nghiệp. Đó là logics cũng là quy luật phát triển xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh dưới áp lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và xanh hóa tiêu dùng
Với mối quan hệ gắn bó hữu cơ và trực tiếp với sản xuất, tiêu dùng tác động trực tiếp sản xuất theo hướng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là sự cụ thể hóa thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu xác định 3 nhiệm vụ chiến lược trong đó có nhiệm vụ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Một thị trường xanh được hình thành, ngày càng mở rộng và phát triển ở quy mô khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng là tác nhân chủ yếu thúc đẩy thị trường xanh phát triển. Các nghiên cứu và thực tế giao dịch thị trường quốc tế đều chỉ ra rằng: nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ xanh ngày càng gia tăng. Ngay từ đầu thế kỷ XXI, trong năm 2001, có nghiên cứu chỉ ra rằng: “Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững”. Hiện nay và tương lai xu hướng này ngày càng rõ rệt, thậm chí hàng hóa, dịch vụ xanh trở thành tiêu chí hàng đầu trong các giao dịch thị trường nội địa và quốc tế, tạo nên sức ép ngày càng tăng tới sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Các doanh nghiệp ngày nay bao gồm cả các hộ sản xuất nhỏ ngày càng khó khăn trên thị trường nếu như hàng hóa, dịch vụ của họ không thân thiện với môi trường. Có thể thấy, khó khăn này qua thực tế xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua khi cơ hội thị trường được mở rộng trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhưng lại bị khép lại, thậm chí đóng lại khi hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng được hàng rào về tiêu chuẩn môi trường. Đã có không ít trường hợp hàng hóa xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị chặn lại ngay từ cửa Hải quan của nước đối tác nhập khẩu vì không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Điều này xuất phát từ việc các nước trên thế giới đều thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là tăng cường các tiêu chuẩn môi trường trong mọi hoạt động phát triển. Sức ép của cam kết về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Khí hậu Paris buộc các quốc gia phải áp dụng mạnh mẽ các giải pháp xanh.
Việt Nam là một bên tham gia Thỏa thuận này với cam kết mạnh mẽ và mục tiêu, lộ trình rõ ràng: Đến năm 2030 giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ từ quốc tế thông qua hợp tác song phương. Sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu nên là chủ thể chủ yếu đóng góp vào thực hiện mục tiêu này. Sức ép từ người tiêu dùng hay tiêu dùng xanh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sớm và nhanh chóng xanh hóa sản xuất của mình.
H.N
(Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE)
Bình luận