Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 12:09
Chủ nhật, 18/06/2023 13:06
TMO - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã khẳng định vai trò của thước đo sự tiến bộ của tăng trưởng xanh mà qua đó, mới có thể quản lý và thúc đẩy quá trình này. Thông thường, việc giám sát và đánh giá việc thực hiện tăng trưởng xanh thông qua các chỉ thị/chỉ số.
Ở cấp độ doanh nghiệp theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, chỉ thị là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm theo dõi, đánh giá và cải tiến quá trình sản xuất xanh, hướng đến tăng trưởng xanh, từ đó giúp các lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những chính sách phù hợp và hiệu quả. Việc áp dụng các chỉ thị giám sát và đánh giá sản xuất xanh cũng có thể giúp doanh nghiệp thiết lập và đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo đó, việc xây dựng bộ chỉ thị đánh giá hoạt động xanh hóa sản xuất được coi là một bước đi đầu tiên quan trọng để doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã đưa ra công cụ đo lường sản xuất xanh với số lượng và loại chỉ thị khác nhau.
Nhiều sáng kiến và công cụ giám sát và đánh giá thực hiện sản xuất xanh của doanh nghiệp đã được triển khai trên thế giới (Ảnh minh họa).
a) Sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative – GRI)
Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI, 2013) được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2002 với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và tổ chức, góp phần hướng đến nền kinh tế bền vững toàn cầu. GRI có lẽ là sáng kiến phổ biến nhất cho tới thời điểm hiện nay. Đây là sáng kiến tự nguyện và là một công cụ có giá trị cho việc ra quyết định ở cấp độ quản lý, vận hành và cho các bên liên quan trong và ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành báo cáo bền vững cần đánh giá và công bố những thông tin về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ở các khía cạnh môi trường và xã hội bên cạnh những thông tin hiệu quả hoạt động tài chính và quản trị.
Hướng dẫn GRI đã đưa ra các nguyên tắc, phương pháp và phạm vi áp dụng các quy định cũng như định dạng chuẩn của báo cáo phát triển bền vững. Trong đó, 91 quy định bền vững được đưa ra để xây dựng báo cáo gồm nhóm quy định về kinh tế, môi trường và xã hội. Ngoài ra, từng quy định cũng được định nghĩa, hướng dẫn cách thức tính toán và phạm vi sử dụng. Một trong những ưu điểm chính của sáng kiến GRI là đưa ra một định dạng chuẩn của báo cáo phát triển bền vững. Các hướng dẫn GRI cũng rất hấp dẫn cho các doanh nghiệp vì sự thừa nhận rộng rãi của sáng kiến này trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải phân bổ nguồn lực đáng kể để chi tiết hóa các thông tin theo yêu cầu của báo cáo và điều này thường mất một số chi phí lớn trong khi đó thể có những hạn chế về độ chính xác của đánh giá. Hơn nữa để áp dụng cho các loại hình tổ chức nào, hướng dẫn GRI cũng đưa ra một lượng lớn các quy định. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn quy định tại một số doanh nghiệp có thể trở nên quá khó khăn. Khiếm khuyết lớn nhất của hướng dẫn GRI là kết quả đánh giá phần lớn để cáo bên ngoài, trong khi tác động của chúng lên việc quản lý hoạt động bền vững thực tế của doanh nghiệp và quá trình ra quyết định lại bị hạn chế.
Có thể nói, do tính chất chung của các quy định, các báo cáo phát triển bền vững trong khuôn khổ của sáng kiến GRI có thể có giá trị thấp trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mà GRI đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Theo hướng dẫn, các doanh nghiệp cần xác định cho mình các quy định phù hợp để xây dựng báo cáo phát triển bền vững.
b) Bộ chỉ thị hiệu quả sinh thái của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới – WBCSD
Một sáng kiến khác được biết đến là chỉ số hiệu quả sinh thái. Chỉ số này được phát triển bởi Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD). WBCSD (2000) cho rằng hiệu quả sinh thái đạt được khi sản phẩm và dịch vụ được cung cấp với giá cả cạnh tranh, nhằm thỏa mãn nhu cầu con người và mang lại chất lượng cuộc sống, trong khi những tác động đến sinh thái và mức độ sử dụng tài nguyên trong suốt vòng đời của sản phẩm/dịch vụ đó giảm ít nhất đến mức nằm trong khả năng chịu tải của Trái Đất.
Theo đó, WBCSD đã xác định hiệu quả sinh thái là một nguyên tắc quản lý khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm những cải tiến môi trường đồng thời vẫn mang lại lợi ích kinh tế. Sử dụng bộ chỉ số hiệu quả sinh thái có thể phân tích, đo lường được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và mức độ sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như đo lường được các tác động lên môi trường.
Vì vậy, WBCSD (2000) đã đưa một khung chỉ số hiệu quả sinh thái EEI mà có thể phù hợp cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, khung chỉ số được xây dựng dựa trên tỷ lệ những giá trị sản phẩm/dịch vụ so với tác động môi trường hoặc ngược lại. WBCSD cũng xác định 07 vấn đề mà doanh nghiệp có thể áp dụng để cải thiện hiệu quả sinh thái, đó là: Giảm nguyên liệu sản xuất; giảm mức độ sử dụng năng lượng; giảm sự phân tán các chất độc hại; năng lượng tái tạo; tối đa hóa sử dụng tài nguyên tái tạo; tăng tuổi thọ sản phẩm; tăng giá trị dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lựa chọn các chỉ số hiệu quả sinh thái phù hợp cho quá trình ra quyết định của mình.
Điểm mạnh của phương pháp WBCSD là thông tin hiệu quả sinh thái được tập hợp bởi chính doanh nghiệp. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể tự xác định những vấn đề quan trọng và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong tổ chức. Các chỉ thị chung được sử dụng bởi khung hiệu quả sinh thái chuẩn giữa các doanh nghiệp, nhưng điều này thường bị hạn chế bởi thực tế các doanh nghiệp không báo cáo tất cả các dữ liệu liên quan đến một số chỉ thị. Điểm hạn chế của phương pháp này, ngoài các chỉ thị vận hành, chỉ thị hoạt động quản lý và chỉ thị điều kiện môi trường cũng được xét đến.
c) Bộ chỉ thị về hiệu quả tài nguyên và cường độ ô nhiễm ở quy mô doanh nghiệp của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc và Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc
Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ – UNIDO và UNEP (2010) đã triển khai chương trình hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Sáng kiến RECP là một cách tiếp cận phòng ngừa ở cấp doanh nghiệp nhằm cải thiện việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần phát triển bền vững công nghiệp. Điều này dựa trên việc áp dụng liên tục các chiến lược môi trường phòng ngừa tổng hợp cho các quá trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả tổng thể và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Theo đó, RECP có thể áp dụng được cho bất kỳ một doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nào.
Một trong những chìa khóa thành công của sáng kiến RECP là đánh giá được quá trình cải tiến hoạt động về hiệu quả tài nguyên và cường độ ô nhiễm. Bộ chỉ số RECP cho phép các doanh nghiệp có thể đánh giá được việc sử dụng năng lượng, nước, nguyên vật liệu và phát sinh chất thải, khí thải trong quá trình hoạt động của họ, gồm 7 chỉ thị tuyệt đối, trong đó có 3 chỉ thị sử dụng tài nguyên (năng lượng, nguyên vật liệu, nước) và 3 chỉ thị ô nhiễm (phát thải khí, nước thải và chất thải) và 1 chỉ thị viện dẫn đầu ra sản phẩm. Các chỉ thị được lựa chọn phải bao gồm các khía cạnh môi trường quan trọng nhất của các hoạt động doanh nghiệp và việc cải tiến có thể mang lại tối đa các lợi ích về môi trường và kinh doanh.
d) Bộ chỉ thị sản xuất bền vững của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố bộ hướng dẫn sản xuất bền vững nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất của doanh nghiệp, góp phần phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Trong đó, OECD đã phân tích mối quan hệ tương tác giữa các công đoạn sản xuất với môi trường và chỉ ra cải thiện môi trường chính là yếu tố đầu tiên để giúp các doanh nghiệp thành công trong việc hướng tới tăng trưởng xanh. Vì vậy OECD đã đề xuất bộ chỉ thị môi trường nhằm giúp các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của việc thực hiện môi trường. Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên các yếu tố đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp. Theo đó, bộ chỉ thị gồm 18 chỉ thị môi trường định lượng và quan trọng nhất gồm nhóm chỉ thị đầu vào, vận hành sản xuất và sản phẩm. Bộ Chỉ thị do OECD phát triển nhằm đánh giá tác động của hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp đến môi trường như là một điểm khởi đầu cho sản xuất xanh.
e) ISO 14031 – Quản lý môi trường – Đánh giá kết quả việc thực hiện môi trường của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế.
Danh sách toàn diện đầu tiên về các chỉ thị hoạt động môi trường được phát triển và đề xuất là của Bộ Môi trường Đức. Ngay sau đó, Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 14031 về đánh giá kết quả thực hiện môi trường và được soát xét lại năm 2013. Đánh giá kết quả thực hiện môi trường là một công cụ quản lý nội bộ nhằm cung cấp cho cấp quản lý thông tin đáng tin cậy về việc quản lý hiệu quả các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ có thể ảnh hưởng đáng kể tới môi trường cũng như có thể xác thực trên cơ sở liên tục nhằm xác định xem kết quả thực hiện về môi trường của tổ chức có đáp ứng được các tiêu chí được cấp quản lý đặt ra hay không. Do đó, đây là một quá trình liên tục thu nhập và đánh giá các dữ liệu, thông tin để cung cấp đánh giá hiệu quả hiện thời cũng như các xu hướng hiệu quả theo thời gian.
Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng đưa ra khuyến nghị cho các tổ chức bao gồm doanh nghiệp làm thế nào để xây dựng và áp dụng các chỉ thị để cải thiện hoạt động môi trường. Trong đó, chỉ thị được chia thành ba loại: chỉ thị hoạt động, chỉ thị quản lý và chỉ thị điều kiện môi trường (BSI 2003), Trong đó, tiêu chuẩn cũng mô tả các phương pháp rõ ràng để doanh nghiệp linh hoạt trong việc lựa chọn chỉ thị. Theo đó, các chi thị được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa hoạt động quản lý và quá trình vận hành sản xuất (đầu vào, đầu ra) của doanh nghiệp. Đây có thể được coi là một tính năng tích cực của tiêu chuẩn, đặc biệt khi các quyết định nội bộ về cải thiện hoạt động môi trường được quan tâm.
e) Một số nghiên cứu khác
Tsai et al (2014) đã có một nghiên cứu về: “Thiết lập bộ tiêu chí đánh giá sản xuất xanh”. Mục tiêu của nghiên cứu là thiết lập một khuôn khổ đánh giá sản xuất xanh toàn diện tại Trung Quốc. Theo đó, bộ tiêu chí sản xuất xanh được chia thành bốn vấn đề chính: hiệu quả hoạt động xanh, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Tại mỗi vấn đề, nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá việc thực hiện sản xuất xanh. Còn trong một nghiên cứu của Singh và cs., (2014) về: “Đánh giá việc thực hiện sản xuất xanh”, nghiên cứu đã đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí thông qua phương pháp phân tích thứ bậc, tham vấn chuyên gia và áp dụng thử nghiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ. Theo đó, các tiêu chí sản xuất xanh gồm 5 yếu tố: Thiết kế sản phẩm xanh, thiết kế xanh cho các nguyên vật liệu thô, quá trình xanh; công nghệ xanh và vật liệu bao bì xanh. Tại mỗi yếu tố, nghiên cứu cũng xác định các chỉ thị cụ thể.
Hai nghiên cứu trên các tác giả đều dùng phương pháp phân cấp thứ bậc AHP – một kỹ thuật tạo quyết định để đánh giá thứ tự ưu tiên của các tiêu chí. Trên cơ sở tính toán qua thu thập số liệu khảo sát các doanh nghiệp (điển hình như nghiên cứu của Singh và cs.,2014) nghiên cứu đã xác định được tiêu chí nào là quan trọng đối với việc thực hiện sản xuất xanh cho một doanh nghiệp để từ đó đề xuất những phương án tối ưu. Tuy nhiên, điểm hạn chế của 2 nghiên cứu trên là việc thử nghiệm bộ tiêu chí ở quy mô doanh nghiệp nhỏ nên cần có việc kiểm chứng thêm về khả năng áp dụng của nó. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng không đề cập đến các tiêu chí về quản lý như nhiều nghiên cứu khác đề cập và chỉ đưa ra các tiêu chí định tính. Vì vậy, việc đánh giá và cho điểm cần phải có ý kiến tham vấn của nhiều chuyên gia nên doanh nghiệp rất khó có thể tự áp dụng.
T.H
Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE)
Bình luận