Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 08:01
Thứ năm, 15/06/2023 14:06
TMO - Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới vì sự phát triển bền vững. Ở cấp độ doanh nghiệp, hạt nhân của nền kinh tế, doanh nghiệp được xem là đối tác quan trọng trong tiến trình thực hiện tăng trưởng xanh và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
Thực tế Hội nghị thượng đỉnh thế giới Rio de Janeiro 2002 về Phát triển bền vững đã tuyên bố việc loại bỏ mô hình tiêu dùng và sản xuất không bền vững là một trong ba nhiệm vụ chính của phát triển bền vững. Để thực hiện những quyết định của Hội nghị, năm 2003, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chủ trì xây dựng Chương trình 10 năm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây là một tiến trình toàn cầu với tên gọi là “Tiến trình Marrakech” kêu gọi sự tham gia của các quốc gia, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và tất cả các cộng đồng vì một thế giới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cho đến nay, việc thúc đẩy mẫu hình sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới. Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách, quy định và các chương trình cụ thể về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong bối cảnh khi các nguồn lực sản xuất là hữu hạn, các doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, quá trình tăng trưởng cần gắn với các hoạt động xanh hóa sản xuất. Các doanh nghiệp về lâu dài không thể tiếp tục sử dụng phương thức sản xuất cũ ảnh hưởng xấu tới môi trường. Họ buộc phải thay đổi để tồn tại trong dài hạn khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm, dịch vụ xanh và thân thiện môi trường.
Điển hình, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan...đã tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Một trong những giải pháp chính hướng đến tăng trưởng xanh là xanh hóa sản xuất từ quy mô doanh nghiệp đến quy mô ngành, dịch vụ. Xanh hóa sản xuất không còn là hành vi mang tính trách nhiệm xã hội mà còn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện sản xuất xanh có thể nâng cao hình ảnh của một doanh nghiệp và đồng thời có thể tạo ra doanh thu nhiều hơn và tăng thị phần.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên hướng tới phát triển xanh và coi tăng trưởng xanh như là mô hình trọng tâm để phát triển đất nước. Năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung chính của Chiến lược là phát triển công nghệ xanh và xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có. Trong đó, Chính phủ được đã xác định doanh nghiệp góp phần không nhỏ để hướng tới tăng trưởng xanh. Với sự hỗ trợ mở rộng của Chính phủ, số lượng dự án các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp xanh đã tăng hơn 40% kể từ năm 2009. Hệ thống Chứng chỉ xanh của Chính phủ đưa ra tháng 4/2010 đã chứng nhận hơn 400 trường hợp doanh nghiệp, dự án và công nghệ xanh... Để thúc đẩy năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, Hàn Quốc đã tăng chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nhằm thúc đẩy các sản phẩm sinh thái, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng đã xây dựng và triển khai nhiều văn bản luật và chính sách: Luật Khuyến khích mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường (có hiệu lực từ 01/07/2005) các chương trình nhãn sinh thái, quản lý chuỗi cung ứng sinh thái, thiết kế sinh thái. Trong đó, sự ra đời của Luật đã góp phần phòng chống sự lãng phí của tài nguyên và ô nhiễm môi trường thông qua việc khuyến khích mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường. Trong vòng 5 năm, số lượng sản phẩm xanh được cấp chứng nhận đã tăng 5 lần và quy mô sản xuất sản phẩm xanh đã tăng 15 lần, vượt 25 triệu won vào năm 2010.
Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ xanh gồm: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp xanh. Đặc biệt, từ khi Luật Cơ bản về tăng trưởng xanh, ít carbon được ban hành 2010, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới 30% vào năm 2020 so với mức của năm 2005, gần 500 doanh nghiệp sẽ hoạt động theo hệ thống quản lý năng lượng và khí thải nhà kính quốc gia.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu đã áp dụng chế độ hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp.
Liên minh châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trong phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong những năm qua Ủy ban châu Âu đã có nhiều nỗ lực và hoạt động nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh trong các quốc gia thành viên, bao gồm việc triển khai các nghiên cứu/dự án, ban hành các chính sách và thiết lập các tiêu chuẩn. Hiện nay, một trong những mục tiêu chính của EU là sự phân tách giữa suy thoái môi trường với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu năng lượng và tài nguyên ngày một tăng đang là thách thức cho mục tiêu trên. EU cho rằng hiện là thời điểm thuận lợi để chuyển hướng tới một nền kinh tế năng lượng và tài nguyên hiệu quả, biến các thách thức trên thành cơ hội kinh tế.
Ở cấp vĩ mô, EU đã đưa ra nhiều chính sách lớn về kinh tế xanh, carbon thấp như Lộ trình hướng đến nền kinh tế carbon thấp 2050; Chiến lược EU 2020 về thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả tài nguyên; Kế hoạch EU về hiệu quả năng lượng đến năm 2020. Cụ thể, ngày 16/7/2008, Ủy ban các cộng đồng châu Âu đã thông qua Kế hoạch hành động về tiêu dùng, sản xuất bền vững và chính sách công nghiệp bền vững (SCP/SIP). Mục tiêu cốt lõi của Kế hoạch là cải thiện hiệu quả môi trường và năng lượng của sản phẩm cũng như khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm này.
Năm 2008, EU đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm 20% lượng khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu này, EU sử dụng nguồn ngân sách trị giá 0,5% GDP toàn khối. Ngoài ra, các nước EU còn áp dụng chế độ hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp. Theo đó, từ năm 2013 trở đi, EU bán đấu giá 60% giấy phép hạn ngạch khí thải trong lĩnh vực năng lượng. Đến năm 2020, tất cả các công ty công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải (trừ một số ngành như luyện kim, xi măng, hóa chất...)
Đặc biệt từ tháng 7/2014, EU đã thông qua Kế hoạch hành động xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với mục tiêu chuyển thách thức môi trường thành cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Các nội dung chính của kế hoạch bao gồm: Xanh hóa các doanh nghiệp SMEs nhằm tạo sự cạnh tranh và bền vững hơn thông qua việc cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin thực tiễn, tư vấn và hỗ trợ cách thức nhằm cải tiến hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các doanh nghiệp SMEs; Kinh doanh xanh cho các doanh nghiệp trong tương lai thông qua thúc đẩy các hình thức đổi mới sinh thái; Thúc đẩy thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xanh thông qua thúc đẩy thị trường châu Âu xanh hơn...
Tại Mỹ, trước sức ép nghiêm trọng về môi trường do chất thải từ ngành công nghiệp, chính phủ Mỹ nhận thức được vấn đề này và có nhiều nỗ lực nhằm kiểm soát và phục hồi các tác động môi trường thông qua việc ban hành các chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy các hoạt động môi trường trong sản xuất công nghiệp từ năm 1970. Các quy định môi trường công nghiệp được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào xử lý ở cuối đường ống. Theo đó, Chính phủ đã ban hành một số văn bản như: Đạo luật Không khí sạch, Đạo luật Nước sạch, Luật Bảo tồn và phục hồi tài nguyên. Giai đoạn hai tập trung vào giảm ô nhiễm công nghiệp với Đạo luật Phòng chống ô nhiễm được ban hành năm 1990. Giai đoạn ba tập trung vào sản xuất sạch thông qua khuyến khích việc thực hiện các chương trình môi trường toàn diện nhằm giảm tác động tổng thể trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh các chính sách và quy định môi trường toàn diện, năm 2009 Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã ban hành: “Hướng dẫn xanh hóa cho các doanh nghiệp nhỏ”. Trong đó, Hướng dẫn đã chỉ ra những lợi ích, cơ hội và thách thức xây dựng một chiến lược nhằm giúp các doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh. Ngoài ra, một số chương trình quốc gia về kiểm soát khí thải cũng đã được xây dựng như Chương trình thống kê phát thải hóa chất độc hại do EPA thiết lập. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các ngành sản xuất phải báo cáo lượng phát thải hóa chất độc hại hằng năm nhằm giám sát những nỗ lực của họ trong việc giảm các vật liệu độc hại phát thải ra môi trường. Đối với việc phát thải khí carbon trong công nghiệp, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đưa ra Chương trình đăng ký khí nhà kính tự nguyện cho các nhà sản xuất công nghiệp.
Ngoài các quy định quốc gia, Chính phủ liên bang và các tổ chức quốc tế cũng nỗ lực trong việc thiết lập các sáng kiến sản xuất xanh, tổ chức nhiều hội nghị và hội thảo về sản xuất xanh nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp thực hiện chiến lược bền vững. Ngoài ra, từ năm 2007, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã tổ chức thường niên “ngày sản xuất xanh” nhằm tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực sản xuất xanh.
Đặc biệt, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Mỹ đã xem xét lại việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Tháng 11/2009, Tổng thống Obama đã đưa ra mô hình tăng trưởng bền vững. Trong đó, chiến lược “Tái công nghiệp hóa” giai đoạn 10 năm nhằm phát triển công nghiệp mới dự kiến đầu tư 15.000.000 USD hỗ trợ cho các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng nhất là doanh nghiệp SMEs.
Ngoài ra, cuối tháng 6/2009, Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005. Trong đó, áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các công ty xả thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết các công ty khác. Chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty sản xuất oto chuyển sang các mẫu xe sử dụng cả điện và xăng dầu, cải tiến động cơ tiết kiệm nhiên liệu.... Việc thông qua Đạo luật này bước đầu khẳng định nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng hơn...
Trung Quốc đang cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ động (thép, ô tô, xi măng...) nhằm tạo việc làm, năng lực cạnh tranh, đồng thời bước đầu hiện đại hóa các ngành này để tiếp cận công nghệ xanh.
Tại Trung Quốc, xây dựng một xã hội tuần hoàn được xem là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11&12 của Trung Quốc, trong đó có tập trung vào một loạt các chính sách thúc đẩy xanh hóa sản xuất, mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường, tái cấu trúc một số ngành công nghiệp trọng điểm nhấn mạnh vai trò của R&D. Đối với doanh nghiệp SMEs, Kế hoạch cũng đề ra những giải pháp thúc đẩy phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra một loạt chính sách, cơ chế tài chính bao gồm chính sách ưu đãi, thuế. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã cam kết mở rộng tái sản xuất công nghiệp quốc gia trong vòng 5 năm tới. Ước tính tái sản xuất ở Trung Quốc có thể tăng từ 2 tỷ tệ (khoảng 320 triệu USD) năm 2011 lên cho đến 40 tỷ tệ (khoảng 6,5 tỷ USD) vào năm 2015.
Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành một số chính sách về thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn như Luật Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, Luật Khuyến khích sản xuất sạch, Luật Tiết kiệm năng lượng, các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chí các sản phẩm thân thiện môi trường. Nhờ vào chủ trương này, việc sản xuất, lưu thông phân phối và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường của Trung Quốc trong thời gian qua đã gia tăng một cách nhanh chóng.
Trung Quốc đã tiến hành xem xét và chứng nhận đối với khoảng 40 ngành và 500 loại sản phẩm công nghiệp công nghiệp và nông nghiệp là sản phẩm thân thiện môi trường. Trong đó, có hơn một nửa số sản phẩm dệt may, nước ngọt, giấy các loại, lò vi sóng...Ngoài ra, trong gói kích cầu kinh tế 586 tỷ USD. Trung Quốc coi trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo nhằm từng bước hướng tới phát triển xanh, chuyển dần sang mô hình tăng trưởng, sử dụng hiệu quả năng lượng, Trung Quốc đang cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ động (thép, ô tô, xi măng...) nhằm tạo việc làm, năng lực cạnh tranh, đồng thời bước đầu hiện đại hóa các ngành này để tiếp cận công nghệ xanh, nhất là các ngành gây nhiều ô nhiễm.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, nhiều quốc gia cũng đã xây dựng các chính sách về tiêu dùng xanh, mua sắm xanh, chứng nhận các sản phẩm dán nhãn xanh, sinh thái.... đây cũng là động lực nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh.
N.Q
(Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE)
Bình luận