Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 25/08/2023 07:08
TMO - Tỉnh Gia Lai sẽ tập trung triển khai hoạt động quan trắc, quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản; đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, động thực vật thủy sinh.
Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, phân bố trên hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San và các nhánh của sông Srêpôk với 302 hồ chứa, đập thủy lợi. Diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh là 15.159 ha, trong đó, diện tích nuôi 1.109 ha, diện tích khai thác 14.050 ha. Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi thâm canh theo hình thức lồng bè với khoảng 700 lồng trên các hồ chứa, hồ thủy điện tại các địa phương như: thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hàng năm khoảng 1.583 tấn.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản khoảng 460 tỷ đồng, chiếm 1,13% giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm-thủy sản; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 20.800 ha, trong đó, nuôi trồng đạt 3.800 ha; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 16.360 tấn (nuôi trồng đạt 12.160 tấn); có 1.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, sản lượng phấn đấu đạt 3.500 tấn; sản lượng nuôi ao hồ nhỏ đạt 8.660 tấn.
Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 670 tỷ đồng, chiếm 1,34% giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm-thủy sản; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 24.025 ha (nuôi trồng đạt 3.825 ha); tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 24.970 tấn (nuôi trồng đạt 19.940 tấn); có 1.375 ô lồng nuôi trồng thủy sản, sản lượng phấn đấu đạt 4.812 tấn; sản lượng nuôi ao hồ nhỏ đạt 15.128 tấn.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường được các địa phương chú trọng. Ảnh: GLO.
Để đạt được mục tiêu trên, cùng với nhiều giải pháp khác tỉnh Gia Lai cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản. Với những mục tiêu trên, nhiệm vụ quan trắc, giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là thích ứng kịp thời trong bối cảnh ngành NN&PTNT nói chung, thủy sản nói riêng đang tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã và đang được Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất.
Cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin, diễn biến chất lượng nước môi trường vùng nuôi, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, phòng ngừa hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản; hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác, sử dụng bền vững đa dạng sinh học thủy sinh vật và phát triển sinh kế của người dân nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản phục vụ hệ thống hóa trên nền dữ liệu số, công nghệ số, làm cơ sở dữ liệu môi trường, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, địa phương này chủ động quan trắc, đánh giá, cảnh báo, giám sát sự biến động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản để kịp thời phát hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường. Tạo cơ sở để cơ quan quản lý các cấp xây dựng khung lịch thời vụ nuôi, cơ cấu, đối tượng nuôi thủy sản phù hợp.
Trong đó, các điểm quan trắc, giám sát được lựa chọn tại những hồ có diện tích mặt nước lớn, nuôi trồng thủy sản theo hình thức lồng bè phát triển với 2 điểm tại huyện Ia Grai (01 điểm tại hồ thủy điện Sê San 4, 01 điểm tại hồ thủy điện Ia Grai I). Thời gian quan trắc, giám sát: Dự kiến trong tháng 3 đến tháng 11 năm 2024. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan triển khai công tác quan trắc môi trường, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện của đơn vị quan trắc môi trường.
Công tác giám sát chất lượng môi trường đặc biệt là nguồn nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo kế hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định hiện hành. Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản tại các khu vực được quan trắc và trên toàn địa bàn tỉnh biết, chủ động ứng phó và tổ chức thực hiện các hoạt động thủy sản đạt hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường Phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, thẩm định chi tiết thông số, tần suất, địa điểm và thời gian thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt thuộc nhiệm vụ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường; cung cấp thông tin, kết quả quan trắc môi trường có liên quan....
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan liên quan và đơn vị quan trắc môi trường triển khai, thực hiện các nội dung kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiến hành cảnh báo và giám sát môi trường các khu vực thực hiện quan trắc, thông báo cho người dân trên địa bàn chủ động ứng phó, làm cơ sở để triển khai các biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động theo dõi, giám sát môi trường tại khu vực nuôi trồng thủy sản; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép (theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc); cung cấp thông tin, số liệu về quan trắc môi trường, phòng bệnh động vật thủy sản nuôi (khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động quan trắc môi trường kịp thời, hiệu quả.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước thủy sản trong quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Kịp thời thông báo các diễn biến bất thường của môi trường nuôi trồng thủy sản và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước thủy sản tại địa bàn. Ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép (theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc).
Những năm gần đầy hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển với tốc độ nhanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên sự phát triển của hoạt động sản xuất này kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nếu không được quản lý, kiểm soát. Cụ thể, do hoạt động nuôi dày đặc và tác động của hóa chất, kháng sinh nên môi trường đất trong nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây tình trạng suy thoái và ô nhiễm gia tăng. Ngoài ra, chất lượng nước trong các ao nuôi trồng thủy sản gồm cá nước ngọt,tôm ven biển đặc biệt là các mô hình nuôi công nghiệp đang có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ...
Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng đến mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Đồng thời, nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản thông qua mạng lưới hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích) được triển khai hiệu quả; hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành được ít nhất 02 kế hoạch hành động bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 8% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững.
Minh Cường
Bình luận