Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 09:11
Thứ hai, 29/07/2024 07:07
TMO - Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành đến các cơ quan trực thuộc, các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành, của lĩnh vực.
Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành đến các cơ quan trực thuộc, các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 8 Điều 50 Luật Tài nguyên nước 2023).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cung cấp thông tin, xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Chỉ đạo việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong hệ thống công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi (điểm b khoản 2 Điều 36 Luật Tài nguyên nước).
Về việc đăng kí hoặc cấp phép tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc các chủ quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Đối với các công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 1/1/2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 chậm nhất là ngày 30/6/2027 (khoản 6 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).
Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước (Thông tư số 03/2024/TTBTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, ngày 1/7/2024.
Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành (Ảnh minh họa).
Với nhiều điểm mới, Luật Tài nguyên nước thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Với 10 Chương và 86 Điều, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách gồm:
Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong đó, Chính phủ hướng dẫn chi tiết 21 nội dung, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết 7 nội dung của Luật. Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra; quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng; điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Đồng thời, Luật hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế là một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).
Lê Thắm
Bình luận