Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ tư, 11/09/2024 08:09
TMO - UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển khoảng 79.000ha, trong đó có 20.000ha sản xuất hữu cơ; khoảng 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Qua đó, đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu các sản phẩm dừa trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre, tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến tháng 6/2024 là 79.085ha. Tổng sản lượng dừa toàn tỉnh tăng nhẹ qua các năm, đến năm 2023 là 700.302 tấn. Bến Tre là nơi tập trung đa dạng sinh học các giống dừa, trong đó, các giống dừa cao như: dừa Ta, dừa Dâu chiếm gần 80% cơ cấu giống dừa, năng suất từ 70 - 90 trái/cây/năm, cơm dừa dầy và hàm lượng dầu cao phù hợp cho công nghiệp chế biến.
Huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm là 2 địa bàn trồng dừa trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích trồng dừa hiện nay hơn 37 nghìn ha, chiếm gần 50% diện tích trồng dừa cả tỉnh. Đến nay, huyện Mỏ Cày Nam có 7.190 vườn đang thực hiện quy trình canh tác dừa hữu cơ, với tổng diện tích 6.290ha, trong đó 5.400ha đã được chứng nhận. Các vườn dừa này đang liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) để tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Mỏ Cày Nam đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gồm: Ứng dụng nguyên tắc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa và vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững... Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn khuyến công và chuyển giao khoa học công nghệ để hỗ trợ sản xuất, chế biến ngành dừa. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ 13 dự án khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, với tổng số vốn 3,2 tỷ đồng. Huyện tập trung ưu tiên cho các cơ sở, sản xuất từ sản phẩm dừa.
Các địa phương chú trọng mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ.
Tại huyện Giồng Tôm hiện ngành dừa đang chiếm 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của toàn huyện. Từ năm 2021 - 2023, giá trị sản xuất của ngành này đạt 3.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 ước tính 14% (theo giá so sánh năm 2010). Hiện toàn huyện Giồng Trôm có 428 cơ sở và 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế và chế biến các sản phẩm từ dừa. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các nhà máy, với công nghệ hiện đại và sản phẩm đa dạng.
Cùng với sự phát triển của ngành chế biến dừa, việc thành lập các tổ hợp tác và HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút và tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 15 HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dừa, với doanh thu ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động. Nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết thu mua dừa, với tổng diện tích liên kết hơn 6.700ha. Trong đó, có 6.000ha đạt chứng nhận hữu cơ, chiếm 37% diện tích dừa công nghiệp của huyện.
Đến nay, diện tích dừa của huyện Giồng Tôm đã tăng thêm 2.830ha so với năm 2020, vượt lên dẫn dầu toàn tỉnh, với tổng diện tích 20.600ha. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Giồng Trôm đang triển khai xây dựng 2 vùng thí điểm sản xuất nông nghiệp tập trung, tại xã Châu Bình và Phước Long. Mục tiêu là phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đời sống người dân địa phương.
Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, các mục tiêu phát triển ngành dừa của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 đã cơ bản hoàn thành. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, 25.000ha dừa hữu cơ và 6.000ha diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng chất lượng và chuyên môn hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và tăng cường khả năng cạnh tranh. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa ngành nông nghiệp và du lịch thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch, các không gian phát triển vườn dừa gắn với hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa Bến Tre” không ngừng phát triển.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, 25.000ha dừa hữu cơ.
Từ năm 2020 đến nay, cây dừa được xác định là cây chủ lực của tỉnh. Diện tích và năng suất dừa tăng qua từng năm. Công tác phòng, chống xâm nhập mặn triển khai thực hiện tốt, người dân quan tâm chăm sóc vườn dừa. Sản phẩm dừa đa dạng. Ngành dừa đã góp phần giải quyết lao động, góp phần chuyển dịch lao động và thu nhập cho người dân nông thôn. Xây dựng vườn dừa sản xuất hàng hoá có tăng qua từng năm. Vườn dừa chứng nhận hữu cơ đánh dấu quan trọng trong đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường khó tính.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích người dân chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu, rào cản kỹ thuật thị trường tiêu thụ đặt ra. Tổ chức sản xuất phải đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần có dự án liên kết xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung để có nguồn kinh phí lớn. Quan tâm giải quyết vấn đề doanh nghiệp thu mua dừa hữu cơ chưa hết, hợp đồng tính pháp lý chưa cao. Hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tiếp cận đầy đủ các chính sách đã ban hành.
Tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển khoảng 79.000ha, trong đó có 20.000ha sản xuất hữu cơ; khoảng 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Đến năm 2030, phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, 25.000ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha, nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Hải Minh
Bình luận