Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ ba, 13/06/2023 13:06
TMO - “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ sản phẩm OCOP, đa dạng hóa sản phẩm, ổn định kinh tế cho người dân.
Trà Vinh có thế mạnh về nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 79,05%/diện tích tự nhiên (diện tích tự nhiên 234,115ha). Từ đó, có thế mạnh về phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, có nguồn nguyên liệu nông - thủy sản có sẵn và phong phú; ngành nghề phát triển đa dạng. Nuôi thủy sản, cây ăn trái, chế biến, bảo quản nông sản, đan đác, dệt chiếu, thảm lác, tơ xơ dừa... có lịch sử phát triển lâu đời. Bên cạnh đó, tỉnh có 13 làng nghề, tạo lượng sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, năm 2018, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Báo cáo của Sở NN&PTNT Trà Vinh, giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể được công nhận (gồm 20 công ty, 05 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác, 72 hộ kinh doanh); trong đó, 137 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 74%; 38 sản phẩm 4 sao, chiếm 20,7% và 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao, chiếm 4,9%. Các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, sản xuất, kinh doanh bình quân tăng từ 10 - 30% về sản lượng và doanh thu; đã mở rộng thị trường tiêu thụ, được kết nối tại các sàn thương mại điện tử và tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn phát triển.
Về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP đã hỗ trợ trên 11,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 5,4 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 2,4 tỷ đồng và các chủ thể tham gia đối ứng 2,5 tỷ đồng). Giai đoạn 2019 - 2022, đã tổ chức 63 lớp đào tạo, tập huấn về khởi sự và nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, kiến thức quản lý điều hành, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng xúc tiến thương mại... với 1.926 lượt người tham dự; hỗ trợ 91 doanh nghiệp/493 loại sản phẩm (có 47 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và trên 100 loại sản phẩm nông sản, trái cây, sản phẩm khác) tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn phát triển. Cụ thể, cùng với việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, địa phương tạo điều kiện cho chủ thể có sản phẩm OCOP quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại; đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ tư vấn, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch... cho các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP; hướng dẫn chủ thể tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử ở Trà Vinh và các tỉnh, thành.
Tỉnh định hướng phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản chất lượng có triển vọng, thương hiệu, có sức cạnh tranh gắn với thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng đó, địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm như: đầu tư ứng dụng khoa học, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, Trà Vinh xây dựng, kết nối các tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các cửa hàng OCOP, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.... Trà Vinh xây dựng, kết nối các tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các cửa hàng OCOP, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP....
Tỉnh Trà Vinh đưa vào hoạt động các Cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ. Ảnh: TH.
Hiện Trà Vinh đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình OCOP như: hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu là 20 m2 (mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/cửa hàng).
Tỉnh cũng hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở… Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP nâng hạng sao cùng nhiều khóa học, tập huấn về Chương trình OCOP; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại hội chợ sản phẩm OCOP do bộ, ngành Trung ương, tỉnh thành trong cả nước tổ chức.
Trong năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu có 133 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, cụ thể: TP. Trà Vinh và huyện Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 15 sản phẩm; Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 11 sản phẩm; Châu Thành 23 sản phẩm, Cầu Kè 13 sản phẩm, Trà Cú 18 sản phẩm, Cầu Ngang 24 sản phẩm, Càng Long 3 sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cao, nâng chất, quản trị, phát triển cho các cơ sở sản xuất cũng như phát triển các sản phẩm OCOP, tăng cường chuyển đổi số và xây dựng ít nhất 10 nhãn hiệu sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm có thêm từ 40 sản phẩm OCOP trở lên; trong đó, ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao và 5% sản phẩm đạt 5 sao. Đồng thời, trên 50% sản phẩm OCOP được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, trên 70% sản phẩm OCOP được tham gia các sàn giao dịch điện tử.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tại khu vực nông thôn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Từ những hiệu quả này, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Chương trình OCOP tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thứ nhất, chương trình góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Thứ hai, thông qua chương trình, nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thứ ba, chương trình thúc đẩy phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Minh Hòa
Bình luận