Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ hai, 20/03/2023 04:03
TMO - Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển theo hướng toàn diện, sinh thái, văn minh, để đến năm 2050 đây là vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống với người dân, điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư. Do đó, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, tạo nền tảng phát triển bền vững cho vùng là hết sức quan trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất nước ta. Theo các chuyên gia, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết năm 2021, dân số 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long là trên 17,4 triệu người (chiếm 17,7% dân số cả nước). Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng đạt gần 9,4 triệu, giảm 0,94% so với năm 2020, chiếm 53,7% so với dân số của vùng. Trong đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chiếm 14,6%, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ đại học chiếm trên 5%.
Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của ĐBSCL đã và đang góp phần đưa đồng bằng châu thổ trở thành “vựa lúa” trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, nơi chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% lượng trái cây của cả nước.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song theo một số chuyên gia, nhà quản lý, hiện nay số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ có lúc, có nơi còn thấp, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển khoa học công nghệ và nâng cao vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh, bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tại vùng này.
Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đến năm 2030, phấn đấu tại vùng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp - xây dựng) đạt 75-80%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
Nguồn nhân lực phải được phát triển theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người trong vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày mạnh. Nguồn nhân lực phải đảm bảo có được những kiến thức và kỹ năng để tham gia phát triển các chuỗi giá trị đồng bộ đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh để từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, ít phát thải, thân thiện với môi trường, hệ sinh thái; phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu hiểu biết và kỹ năng về ứng dụng công nghệ ngày càng tăng. Để đảm bảo có sự chuyển đổi trong phát triển, đặc biệt là chuyển đổi ngành nông nghiệp, sẽ cần nhiều kỹ năng khác nhau, ví dụ như hành chính, tài chính, kiểm soát chất lượng, logistics trong ngành chế biến nông sản, du lịch... Việc đào tạo cho phát triển du lịch không đòi hỏi phải xây dựng các cơ sở đào tạo nghề lớn, cấp vùng, mà thông qua các cơ sở đào tạo quy mô nhỏ và giải pháp đào tạo tại chỗ. Hầu hết các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến chế biến nông sản thường là chuyên sâu và có thể đạt được thông qua đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức học việc.
Riêng các hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp, nhất là áp dụng công nghệ sinh học/genomics để tìm và lai tạo cây giống và con giống có giá trị cao cần thu hút số lao động trẻ đã qua đào tạo đại học và sau đại học, trên cơ sở gắn kết hoạt động với hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL.
Thiết lập mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo và cơ sở hạ tầng xã hội khác để đảm bảo đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với thị trường lao động vùng địa phương cũng như thị trường xuất khẩu và phục vụ quá trình sản xuất và chuyển đổi sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của vùng và hội nhập toàn diện với vùng ASEAN và GMSThiết lập và mở rộng các trung tâm giáo dục tại ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh.
Đồng thời, thúc đẩy mối liên kết với các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế và vùng, khuyến khích chủ động hợp tác để cải thiện chất lượng giảng dạy, bằng cách đảm bảo rằng các nội dung giáo dục và bộ công cụ dạy học sẽ dựa trên nhu cầu thực tiễn. Các trung tâm giáo dục nói trên sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các nhân tố tiềm năng trong và ngoài vùng và tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề có uy tín ở Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nguyễn Mai
Bình luận