Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ sáu, 22/09/2023 08:09
TMO - Chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng. Trong đó, việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam hiện là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Do đặc điểm về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương trước sự tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Với dân số khoảng 100 triệu người; trong đó có 51% là dân số trong độ tuổi lao động, do đó nhu cầu việc làm rất lớn. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045 cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao.
Với các cam kết mạnh mẽ việc việc phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại COP 26, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng và ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng, ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này. Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng với việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống sẽ tạo ra các cơ hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững và công bằng hơn, đồng thời giảm thiểu tác động xấu, tiêu cực của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Việt Nam cần chuẩn bị kỹ nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng (Ảnh minh họa).
Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng. Điều này đòi hỏi sự chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh; đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam. Điều này tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…
Trong khuôn khổ của Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng-Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam: Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng” do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Đại sứ Guido Hildner cho biết: Ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng Xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu người từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng cũng đem lại những cơ hội việc làm mới.
Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề; trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Các chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp các yêu cầu của Việt Nam. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi để họ tìm việc làm, bền vững.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu việc làm Đức cho biết, chuyển dịch năng lượng đã kích hoạt những chuyển động rõ ràng trên thị trường lao động, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu trong thị trường lao động, tạo mới và xóa bỏ việc làm cũng như những thay đổi về nghề nghiệp và việc làm hiện hữu. Tác động của sự chuyển dịch này đến việc làm về tổng thể là tích cực, nhưng cũng đặt ra vấn đề đó là thiếu lao động lành nghề khi họ có thể cần phải đào tạo lại kỹ năng, hoặc thậm chí thay đổi công ty/ngành nghề... để phù hợp với xu hướng dịch chuyển xanh.
Từ đó, khuyến nghị cách tiếp cận cho chính sách thị trường lao động hiện nay nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có cần tập trung vào thay đổi chương trình giảng dạy trong các chương trình giáo dục và đào tạo nghề theo nhu cầu chính sách khí hậu. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng xanh cho người lao động, đặc biệt tập trung vào người lao động trong các ngành năng lượng hóa thạch và các nghề có kỹ năng nâu, bên cạnh việc xem xét xây dựng các chương trình bảo hiểm tiền lương tạm thời để giúp người lao động chuyển sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Các công ty tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng cần được hỗ trợ, thí dụ như giúp các công ty này thay đổi mô hình kinh doanh, đào tạo nhân viên và đầu tư vào công nghệ sạch. Ngoài ra, cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp xanh và giúp họ tìm được những công nhân lành nghề.
Hồng Hạnh
Bình luận