Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ bảy, 27/05/2023 06:05
TMO - Tỉnh Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, không bị hạn hán, lũ lụt. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đảm bảo luôn có được nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh...
UBND tỉnh Tây Ninh cũng nhận định, tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp tại tỉnh rất lớn, tuy nhiên việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Chi phí đầu tư cao trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động thị trường....
Ngoài ra, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất. Vì thế, tỉnh Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, những năm qua, cùng với phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh luôn chú trọng tới phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Các địa phương trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hoà nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng, ứng dụng công nghệ số như phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; tem truy xuất nguồn gốc, giám sát và hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm, cơ sở dữ liệu thủy lợi... hỗ trợ phát triển sản xuất trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cài đặt phần mềm cho 247 cơ sở sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích trên 1.728 ha. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 3 vùng trồng (sầu riêng, xoài Thái, chuối), 2 cơ sở đóng gói (chuối) được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 24 vùng trồng, 4 cơ sở đóng gói được cấp và sử dụng mã số xuất khẩu.
Hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất, thu hoạch đang được phát triển trên các nông trường trồng mía tại tỉnh. Ảnh: BTN.
Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa và một số cây trồng khác như: bắp, mì, mía, cây ăn quả… nhằm tăng cường việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất; hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc, tiết kiệm công lao động, có thể ứng dụng trên nhiều loại cây trồng và địa hình khác nhau. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động xoay tròn (tưới Pivot) áp dụng trên cây mía; hệ thống này được điều khiển từ xa có thể tưới được cùng lúc trên diện tích rộng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 8/128 trang trại heo, 4/35 cơ sở giết mổ tập trung sử dụng phần mềm TE-food để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống quản lý thông tin hiện đại và đồng bộ, liên kết chặt chẽ trong việc quản lý vận hành, khai thác công trình thuỷ lợi và bảo vệ công trình phục vụ sản xuất. Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông chính sách chuyển đổi số trong nội bộ ngành; rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025 phù hợp với tình hình địa phương, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, Sở cũng sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp về quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; dữ liệu về trồng trọt, chăn nuôi, công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; dữ liệu các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thuỷ sản...; ứng dụng công nghệ thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, đất đai, các quy trình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng nông sản; thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tem truy xuất để minh bạch nguồn gốc và thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Mới đây, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ châu Âu, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023". Diễn đàn là cơ hội giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Tây Ninh; giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại các khu kinh tế, khu du lịch, các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Thanh Tùng
Bình luận