Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 01:11
Thứ tư, 22/06/2022 11:06
TMO - Để khai thác hiệu quả lợi thế sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu và nâng số lượng sản phẩm được công nhận đến năm 2025 từ 120 sản phẩm lên 290 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đã có 108 sản phẩm được đánh giá và công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, công nhận chủ yếu ở 3 nhóm sản phẩm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến hiện có 78 sản phẩm, chiếm 72,22%; sản phẩm đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 11,11%; sản phẩm lưu niệm với 18 sản phẩm, chiếm 16,67%.
Đặc biệt, trong năm 2021, có 6 sản phẩm nước mắm Phú Quốc đạt hạng tiềm năng 5 sao, Sở NN&PTNT đã trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Kiên Giang là một trong 4 tỉnh/thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn ưu tiên thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Đây là một lợi thế để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.
Hiện nay, tỉnh đang phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc Để có thể khai thác lợi thế sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Du lịch cộng đồng gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP đang được đẩy mạnh triển khai tại Vườn quốc gia U Minh Thượng
Tại huyện U Minh Thượng, địa phương này đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa - lịch sử đối với các khu căn cứ cách mạng và đặc biệt là du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng. Qua đó, tăng cường sự tương tác trải nghiệm, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt giữa du khách và người dân địa phương
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, mẫu mã sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các combo quà tặng, quà lưu niệm từ sản phẩm OCOP gắn với các điểm, khu du lịch cộng đồng tại địa phương và thành phố du lịch như Phú Quốc và Hà Tiên.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử… nhằm nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch về địa bàn các huyện, thành phố khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu tại các các điểm đến du lịch nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm
Để phát triển du lịch cộng đồng trong Chương trình OCOP có hướng đi bền vững, cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch phù hợp, đồng bộ với mục tiêu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phối hợp tốt các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh liên kết chặt chẽ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, gắn với các chủ thể OCOP, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý du lịch, quản lý nông nghiệp.
Tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối với chủ thể hoạt động du lịch nông thôn đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm OCOP; góp phần phát triển sản phẩm gắn với nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025, tỉnh Kiên Giang xác định việc triển khai đề án trên nhằm đạt được mục tiêu phát huy hiệu quả giá trị bản địa, nhằm khai thác tiềm năng về nông nghiệp, du lịch theo hướng bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.
Kiên Giang được du khách biết đến như một “Việt Nam thu nhỏ”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh thắng thơ mộng, hấp dẫn bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ đặc điểm sinh thái, lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn có giá trị như một bảo tàng lịch sử sống động về một vùng đất ở phía Tây Nam của Tổ quốc.
Nằm tận cùng ở phía Tây Nam của Tổ quốc, nơi giao thoa văn hóa của 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, vì thế Kiên Giang có một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng thể hiện qua các lĩnh vực như ẩm thực, văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, làng nghề truyền thống, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật,...
Với những lợi thế ở trên, việc thúc đẩy gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng với các sản phẩm OCOP sẽ góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng của địa phương này, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn trong phát triển du lịch. Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưnng đang được tỉnh Kiên Giang thúc đẩy triển khai.
Hạnh Nguyên
Bình luận