Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 08:07
Thứ sáu, 25/07/2025 06:07
TMO - Hiện nay đang là cao điểm mưa lũ, do đó, tỉnh Lào Cai tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhất là tại vùng nuôi thủy sản và cá nước lạnh. Các địa phương trọng điểm như Sa Pa, Bắc Hà được yêu cầu rà soát hệ thống lồng bể, gia cố ao nuôi, đồng thời xây dựng phương án ứng phó kịp thời với mưa lớn, sạt lở và lũ quét.
Thủy sản nước lạnh, đặc biệt là cá hồi và cá tầm, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lào Cai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng tại các khu vực đồi núi cao luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Nhằm bảo vệ sản xuất và hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các huyện vùng cao tập trung rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng nuôi, đường dẫn nước, ao chứa, đê bao. Các chủ cơ sở nuôi được hướng dẫn gia cố công trình, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng phương án di dời khi có mưa lớn kéo dài.
Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn để cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, hỗ trợ người nuôi chủ động phòng tránh. Song song đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực ứng phó cho người dân được triển khai nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế.
Những biện pháp chủ động này đang giúp vùng nuôi cá nước lạnh của Lào Cai thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường. Tại Lào Cai, các xã Mường Bo, Bản Hồ, Tả Van, Ngũ Chỉ Sơn…là những khu vực trọng điểm nuôi cá nước lạnh của tỉnh, tuy nhiên thiên tai, bão lũ khiến người dân không khỏi lo lắng.
Tại xã Mường Bo, công tác tuyên truyền cho người dân tại các cơ sở nuôi cá nước lạnh cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Cách đây 2 năm, Mường Bo đã xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại hơn 100 cơ sở nuôi cá nước lạnh trong một đêm. Không chỉ toàn bộ ao nuôi bị vùi lấp, tài sản bị phá hủy, lũ còn cuốn trôi 7 người dân đang trông coi, chăm sóc những ao nuôi cá nước lạnh.
Lãnh đạo UBND xã Mường Bo cho biết, những ngày qua, xã đã thành lập các đoàn công tác đã đi kiểm tra các trang trại nuôi cá nước lạnh và những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi cá tại khu vực ven suối di chuyển đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân thu hoạch sớm các lứa cá đã đạt trọng lượng thương phẩm để giảm thiệt hại nếu không may xảy ra thiên tai.
Để chủ động phòng tránh thiên tai, UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng lên phương án di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Chủ động rà soát, hoàn thiện các phương án, sẵn sàng để ứng phó với mưa lũ; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, úng ngập, sạt lở đất, lũ quét.
Người dân được khuyến cáo nên thu hoạch các loài cá nước lạnh sớm nếu đã đạt trọng lượng. (Ảnh: ĐN).
Bên cạnh đó, tại xã Ngũ Chỉ Sơn, công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các cơ sở nuôi cá nước lạnh được địa phương đặc biệt quan tâm. Trước đó, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 cuối năm 2024 gây ra nhiều vết nứt, sụt lún trên sườn núi, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt trượt, đe dọa trực tiếp các khu dân cư xung quanh.
Trước tình hình trên, thực hiện công điện và chỉ đạo của cấp trên, xã đã tổ chức họp ban chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các tổ công tác đã được thành lập và cử đi rà soát các thôn bản để xác định những điểm có nguy cơ sạt lở. Danh sách cụ thể từng hộ gia đình có nguy cơ cao cũng đã được lập và phương án yêu cầu di chuyển tạm thời đến nơi an toàn đã được đưa ra.
Đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, UBND xã cử cán bộ vận động người dân khẩn trương thu hoạch các lứa cá đã đạt trọng lượng thương phẩm. Việc sơ tán tài sản và người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm cũng được khuyến cáo, chính quyền kiên quyết không để người dân ngủ lại lán trại trong thời điểm này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Cán bộ đã được cử trực 24/24h tại các chốt đặt ở những vị trí có tầm quan sát rộng, giúp kịp thời thông báo khi có dấu hiệu lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, xã Ngũ Chỉ Sơn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và nhu yếu phẩm cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố.
Cùng với Mường Bo và Ngũ Chỉ Sơn, các địa phương thuộc thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát cũ- hai khu vực trọng điểm nuôi cá nước lạnh của tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn vùng nuôi cá nước lạnh mùa mưa lũ.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, khó dự báo, vì vậy, sự chủ động quyết liệt của các địa phương là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Việc chủ động triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai tại vùng nuôi thủy sản nước lạnh là bước đi cần thiết và kịp thời của tỉnh Lào Cai, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường.
Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người dân, công tác bảo vệ hạ tầng nuôi trồng, ứng phó mưa lũ đã có chuyển biến tích cực. Không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về tài sản, những biện pháp này còn góp phần bảo vệ sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ nuôi cá tại các huyện vùng cao.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép dự báo khí tượng thủy văn, nâng cao nhận thức cộng đồng và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trong nuôi cá nước lạnh sẽ là nền tảng quan trọng để ngành thủy sản Lào Cai nói chung và những hộ dân, vùng nuôi cá nước lạnh nói riêng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro và mở rộng mô hình nuôi an toàn sinh học. Đây là hướng đi bền vững, giúp ngành thủy sản nước lạnh phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp vùng cao.
Lê Quân
Bình luận