Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 27/07/2025 16:07
Chủ nhật, 27/07/2025 06:07
TMO - Xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng từng bước ổn định sinh kế cho người dân nhờ phát triển cây mắc ca. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi thành công từ cây trồng kém hiệu quả sang mắc ca, đem lại nguồn thu nhập bền vững.
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống người dân. Quảng Trực hiện là một trong những xã biên giới trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng với đường biên dài 41,6 km giáp Vương quốc Campuchia. Xã có diện tích tự nhiên 55.878 hecta, trong đó có hơn 40.000 hecta rừng. Dân số toàn xã hiện có hơn 11.200 người, sinh sống tại 11 bon với 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%.
Tại đây cây mắc ca đang dần khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần ổn định sinh kế cho người dân. Trước đây, nhiều hộ trồng các loại cây như cà phê, hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra bấp bênh. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm và nhanh chóng cho thấy tiềm năng vượt trội.
Với ưu điểm dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sau 3–5 năm cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ diện tích sang trồng mắc ca, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để hỗ trợ người trồng, chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc và thu hoạch đúng cách, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Cây mắc ca không chỉ mở ra hướng phát triển mới mà còn góp phần giữ đất, giữ rừng và tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng biên. Vài năm gần đây, bộ mặt nông thôn Quảng Trực đã đổi thay rõ rệt nhờ sự xuất hiện của cây mắc ca. Với gần 1.600 hecta được trồng trên toàn xã, Quảng Trực được ví như “thủ phủ mắc ca” của tỉnh Lâm Đồng.
Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca phát triển tốt, năng suất ổn định. Sau 5 – 6 năm trồng, cây bắt đầu cho quả, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/hecta, đến năm thứ 8 trở đi có thể đạt hơn 3 tấn/hecta. Với giá bán quả mắc ca (quả tươi) dao động từ 75 – 120 triệu đồng/tấn (tùy thời điểm), người trồng mắc ca có thể thu về 150 – 360 triệu đồng/hecta mỗi năm. So với các cây trồng lâu năm khác như cà phê, hồ tiêu, mắc ca dễ trồng hơn, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn trong dài hạn
Hiện nay hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Quảng Trực cũng đang hưởng lợi từ cây mắc ca. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng quả mắc ca. Hiện ở Quảng Trực đang sử dụng nhiều dòng giống mắc ca khác nhau, trong đó phổ biến là QN, OC, A38… Các giống này đều thích nghi tốt với điều kiện đất đai và khí hậu địa phương, ít sâu bệnh và cho hạt đều, tỷ lệ nhân cao.
Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca phát triển và cho thu hoạch ổn định trên xã Quảng Trực. (Ảnh: DQ).
Không chỉ mở rộng sản xuất, Quảng Trực đang từng bước hình thành chuỗi giá trị mắc ca khép kín. Hiện toàn xã có 3 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến và tiêu thụ mắc ca, trong đó nhiều diện tích đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, người dân đã liên kết với hợp tác xã từ khâu giống, trồng trọt đến thu mua, chế biến, đóng gói hạt mắc ca. Việc người dân và Hợp tác xã cùng tham gia chuỗi giá trị không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn giảm rủi ro về giá cả, thị trường. Đồng thời, sản phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm mắc ca Quảng Trực trên thị trường.
Lãnh đạo UBND xã Quảng Trực cho biết, xác định mắc ca là cây trồng chủ lực, địa phương đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời tập trung xây dựng vùng chuyên canh, quy hoạch đất đai, vận động bà con tham gia hợp tác xã để tạo đầu ra ổn định. Địa phương cũng đang phối hợp các ngành để kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu mắc ca Quảng Trực.
Từ một xã biên giới nhiều khó khăn, Quảng Trực đang phát triển từng ngày nhờ cây mắc ca. Cây trồng này không chỉ giúp người dân vùng biên giới ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập mà còn tạo hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế nông – lâm kết hợp. Với tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển rõ ràng, Quảng Trực đang vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của nông nghiệp Lâm Đồng.
Phát triển cây mắc ca tại xã Quảng Trực không chỉ là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, mà còn thể hiện định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với lợi thế địa phương. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cây mắc ca từng bước trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân.
Từ hiệu quả bước đầu, mô hình mắc ca tại Quảng Trực đang được kỳ vọng nhân rộng sang các khu vực có điều kiện tương đồng, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế nông thôn bền vững ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Thuỳ Trang
Bình luận