Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 14:07
Thứ sáu, 25/07/2025 12:07
TMO - Trấn Yên là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lào Cai. Với việc đổi mới trong phương thức sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Xã Trấn Yên có diện tích trồng dâu tằm lớn nhất tỉnh Lào Cai với gần 700 ha, sản lượng kén tằm mỗi năm đạt 1.180 tấn. Để nâng cao giá trị kinh tế cây dâu tằm, những năm qua địa phương này phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các sản phẩm chủ lực; thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung, lựa chọn các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực, từ đó tập trung các giải pháp để phát triển mở rộng quy mô diện tích, tăng tổng sản phẩm và giá trị sản xuất.
Những năm qua, xã Trấn Yên đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng vùng trồng dâu và nuôi tằm; phối hợp với các trung tâm, cơ quan, đơn vị chuyên ngành về dâu tằm tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm, xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu sử dụng các giống dâu mới; ứng dụng nuôi tằm 2 giai đoạn, xây dựng các mô hình nuôi tằm điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến...
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Báo Đáp trồng 18 sào dâu (6.480m2) lấy lá nuôi tằm. Trước đây, gia đình chị nuôi tằm theo phương pháp cũ mất nhiều thời gian, sản lượng lại thấp. Từ năm 2021 trở lại đây, chị Phương áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên khay trượt, sử dụng né gỗ ô vuông đã giúp giảm công lao động, giảm tình trạng kén đôi và bán được giá cao.
Chị Phương cho biết: Trước kia, gia đình nuôi tằm chủ yếu trên sàn nhà nên tốn nhiều diện tích, công lao động và tằm dễ bị bệnh. Mỗi năm chỉ thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng. Hiện nay, áp dụng khay trượt giúp giảm công lao động, tằm ít bệnh mà năng suất kén cao, vòng tằm tăng lên. Một lứa tằm trước đây chỉ nuôi được khoảng 70kg, hiện nay tăng lên 140kg; thu nhập tăng gấp đôi, đạt khoảng 150 triệu đồng.
Các hộ dân đổi mới sản xuất, nuôi tằm trên trên khay trượt, sử dụng né gỗ ô vuông (Ảnh: TA).
Theo người dân địa phương, với nuôi tằm kiểu cũ người dân phải trải qua các công đoạn từ lúc ấp tằm trứng cho tới lúc tằm lớn và thu kén trong thời gian 21 ngày. Với kiểu nuôi này, cứ cách 1-2 giờ đồng hồ lại phải dọn vệ sinh, thay tằm sang nong khác; cách 3 giờ đồng hồ phải cho tằm ăn một lượt. Riêng việc hái lá dâu đã mất gần 2 - 3 công lao động trong nhiều giờ mới đủ cho tằm ăn.
Trước thực tế trên, đến năm 2021, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên (cũ) thực hiện dự án ứng dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn .Trung tâm đã hướng dẫn bà con sử dụng sản phẩm IMO phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây dâu, giúp lá dâu to, dày, giảm sâu bệnh và cải tạo đất. hế phẩm sinh học IMO có chứa nhiều loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, các loài vi khuẩn có trong IMO còn giúp phân giải các chất hữu cơ trong đất từ dạng khó tiêu thành dạng dễ hấp thụ, ức chế, loại trừ những loại vi sinh vật có hại, gây bệnh cho các loại động, thực vật. Trong IMO chứa nhiều loại chất khoáng, Vitamin, giúp cải tạo đất, kích thích thực vật ra chồi, rễ và phục hồi những cây còi cọc...
Cùng với đó, Trung tâm cũng hướng dẫn người dân áp dụng nuôi tằm con 2 giai đoạn và nuôi tằm lớn trên khay trượt. Mô hình này tiết kiệm được 30% diện tích làm nhà tằm, giảm công chăm sóc, nuôi tằm, điều chỉnh được tiểu khí hậu trong nhà nuôi tằm, như hạn chế tình trạng nồm ẩm vụ xuân, tưới được nước lên nền nhà tằm khi thời tiết nóng.
Ngành chức năng cũng phổ biến kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới cho bà con (Ảnh minh họa).
Từ khi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào mô hình nuôi tằm 2 giai đoạn (nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn) cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Trần Văn Việt, thôn Cổ Phúc cho biết, Trước đây, chúng tôi chủ yếu sử dụng NPK 5-10 - 3 và đạm urê để bón cho dâu nên năng suất, chất lượng chưa cao, cây dâu hay bị bệnh gỉ sắt, bạc thau, rệp muội, tuyến trùng… Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, tôi đã biết làm chế phẩm sinh học vi sinh vật và sử dụng nguồn phế phụ thải nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho dâu nên sâu bệnh giảm hẳn, cây dâu cho lá nhiều hơn, dày, to hơn.
Phát triển vùng dâu tằm, xã Trấn Yên đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích dâu với giống mới S7. Ngành chức năng cũng phổ biến kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới cho bà con, như: ươm cây con, hom cành, chăm sóc tằm con, tằm lớn trên khay trượt và nuôi tằm trong nhà lạnh… Thời gian tới, địa phương này tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của chuỗi liên kết giá trị trong trồng dâu, nuôi tằm, chế biến kém tằm, ươm tơ; thúc đẩy sự liên kết của các hợp tác xã trồng dâu, cung ứng giống tằm tốt, thu mua kén tằm.../.
Lê Quân
Bình luận