Hotline: 0941068156
Thứ tư, 23/07/2025 21:07
Thứ tư, 23/07/2025 13:07
TMO - Những năm qua, nhiều hộ dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng ngô, lúa nương sang trồng dược liệu, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên rộng, địa hình nhiều nơi núi cao trên 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, sông suối nhiều. Đặc biệt, với hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng, đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, Lai Châu được đánh giá có tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm.
Qua nghiên cứu, tỉnh Lai Châu hiện có gần 900 loài dược liệu, trong đó nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, đương quy. Hiện nay, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là hơn 17.800 ha gồm các loại cây như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, đương quy.
Trên địa bàn tỉnh có những cây dược liệu quý như: thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, sa nhân tím và nhiều loại cây dược liệu khác. Đây là lợi thế và cũng là sản phẩm cần phải phải triển để đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Chính vì vậy, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu trên địa bàn và hướng đến xây dựng thương hiệu uy tín, có giá trị đặc biệt đối với sản phẩm từ thảo dược, đồng thời tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm này.
Các địa phương khai thác lợi thế tự nhiên, phát triển cây dược liệu phù hợp.
Tại bản Sín Chả, xã Sì Lở Lầu, những năm trở lại đây gia đình chị Phàn Tả Mẩy đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Sáu năm trước gia đình chị bắt đầu trồng cây dược liệu (sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa) với diện tích 400m2 và mở rộng lên 2ha. Hiện, toàn bộ diện tích cây dược liệu phát triển tốt, trong đó đã thu về 400 triệu đồng; trong vườn còn trên 2.000 cây sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa từ 1 - 2 năm tuổi. Dự kiến, 5 năm nữa diện tích này sẽ cho thu trên 1 tỷ đồng.
Nhiều hộ khác trên địa bàn xã Sì Lở Lầu cũng có thành công nhất định từ trồng cây dược liệu. Đó là gia đình anh Tẩn Sài Sông ở bản Lả Nhì Thàng. Năm 2015, anh trồng thử nghiệm sâm Lai Châu trên diện tích 100m2. Nhận thấy cây thích nghi tốt và có giá trị kinh tế cao, anh Sông quyết định đầu tư mở rộng quy mô vườn. Đến nay, diện tích vườn dược liệu là 5.000m2, với hơn 10.000 cây dược liệu các loại, bao gồm cả thất diệp nhất chi hoa.
Tại phường Tân Phong, Hợp tác xã Phú Trường đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị dược liệu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và góp phần quảng bá thương hiệu dược liệu Lai Châu. Từ nguồn dược liệu trồng và thu mua lại của người dân, HTX Phú Trường đã sản xuất thành tinh bột sâm tố nữ và cao ích mẫu. nguyên liệu sâm tố nữ HTX nhập từ tỉnh Sơn La; hà thủ ô, nghệ thu mua của bà con ở xã Tả Lèng, cây ích mẫu tươi thì do người dân các xã Khổng Lào... cung ứng. Nhờ tập trung sản xuất, chế biến dược liệu, HTX góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Cây sâm được người dân xã Sì Lở Lầu trồng dưới tán rừng.
Để khai thác tiềm năng lớn từ cây dược liệu, những năm qua, Lai Châu đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển cây dược liệu. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu phát triển vùng trồng sâm Lai Châu trên toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương; đến năm 2035, đưa sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Trên cơ sở đó, nhiều chính sách được tỉnh ban hành liên quan đến việc hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn từ năm 2020-2025 đối với các loại cây dược liệu: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống dược liệu, vật tư, bao bì nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Triển khai các dự án về xây dựng mô hình trồng, nhân giống sâm Lai Châu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa. Công tác quản lý vùng trồng được tăng cường, rà soát và cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu cho 6 cơ sở với trên 250.000 cây.../.
Phương Thảo
Bình luận