Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 09:11
Thứ hai, 29/05/2023 07:05
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn sẽ góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, là giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp vào cơ cấu năng lượng. Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia năng lượng tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết: hiện nay thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió (trên bờ và ngoài khơi) và điện mặt trời. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, đến năm 2050, dự kiến điện gió ngoài khơi sẽ đóng góp khoảng 39% tổng nguồn điện trên toàn thế giới.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Kết quả nghiên cứu Bản đồ tốc độ gió tầng 100m trung bình 10 năm 2006 - 2015 cho thấy, Việt Nam có nguồn gió siêu tốt ở khu vực Nam Trung Bộ, có thể đạt trên 10m/s. Ở miền Bắc, khu vực giữa vịnh Bắc Bộ có tốc độ gió khoảng 6,5 - 7,5m/s; đây là điều kiện rất tốt để phát triển loại hình năng lượng này.
Các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân; Cấu trúc các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút sinh vật biển, tác động tích cực tới hệ sinh thái biển. Phát triển điện gió cũng sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính. Thống kê cho thấy, điện gió có mức độ phát thải thấp nhất, chỉ khoảng 10gram/kWh điện, thấp hơn nhiều so với thủy điện với khoảng 40gram/kWh, đặc biệt là nhiệt điện than có mức phát thải trên 1.000gram/kWh.
Việt Nam có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió.
Định hướng phát triển điện gió ngoài khơi đã có theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36); Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Mới nhất là Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.
Tuy nhiên, phát triển điện gió đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như: khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu quy định về hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển đối với từng khu vực biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án để vừa khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện...
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, NDC cập nhật đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 là 43,5% nếu có hỗ trợ quốc tế, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải giảm khoảng 400 triệu tấn CO2 so với kịch bản phát triển thông thường. Việt Nam đã cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển từ than sang năng lượng sạch, Cam kết giảm phát thải khí Mê tan toàn cầu. Đây là những áp lực rất lớn cho quá trình phát triển điện lực của Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là trong Nghị định 06/2022-NĐ-CP.
Chuyển dịch năng lượng, phát triển điện gió được đánh giá là giải pháp góp phần giảm phát thải tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000MW, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500MW với điều kiện công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn sẽ góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn các-bon từ nhiệt điện.
Việt Nam xác định rõ việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, Quốc hội và Ủy Ban thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng" trong đó trọng tâm về việc chuyển dịch năng lượng, thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính. Trong đó làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới.
Thực hiện chuyển đổi năng lượng - Sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hóa thạch - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Điện khí hóa là một trong các giải pháp giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero 2050. Định hướng phát triển điện gió tại Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia tại Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện gió trên bờ và ngoài khơi và ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…). Năm 2030, xuất khẩu điện khoảng 5.000-10.000 MW.
Điện gió ngoài khơi được xem như giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực này cũng giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Với các nỗ lực đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai.
Thu Minh
Bình luận