Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ ba, 09/01/2024 07:01
TMO - Thời gian tới, tỉnh Gia Lai tập trung các nguồn lực xã hội và các lợi thế của tỉnh tạo động lực quan trọng để thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; ứng dụng công nghệ sinh học một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất; đặc biệt, là ngành nông nghiệp.
Theo đó, địa phương này tập trung phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn, mang tính hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, bảo đảm an toàn sinh học; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản. Làm chủ công nghệ nhân giống vô tính đối với sản phẩm nông nghiệp quy mô công nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong tỉnh và các vùng lân cận; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tạo các chế phẩm sinh học thế hệ mới trong nông nghiệp và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc hóa học; chuyển giao, nhân rộng trong sản xuất công nghệ sinh học các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất: Phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học cải tạo đất, chế phẩm bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc thực vật, xử lý phụ phẩm nông nghiệp và ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe con người, vật nuôi; tạo cơ sở hình thành nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ enzym, protein, vi sinh vật tạo sản phẩm phục vụ chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.
Tỉnh Gia Lai tập trung phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao.
Phát triển công nghệ sinh học phục vụ bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp: Ứng dụng và phát triển công nghệ tạo chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản chủ lực, như: Sử dụng công nghệ màng sinh học trong bảo quản để điều chỉnh thời gian thu hoạch; ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến: Phát triển các chế phẩm phục vụ sản xuất các loại thực phẩm lên men có nguồn gốc tự nhiên phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; ứng dụng công nghệ vi sinh tạo ra chuỗi các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sử dụng; Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia, các chất màu tự nhiên để bảo quản và chế biến nông, thủy sản.
Phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất các sản phẩm từ nguồn cây dược liệu của tỉnh phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền,... để phát triển sản xuất các giống cây dược liệu có tác dụng dược tính, giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen cây dược liệu của tỉnh. Tập trung nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, hiện đại để trồng và chế biến sâu các sản phẩm từ nguồn cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và làm chủ công nghệ tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất, chuyển dần các sản phẩm có nguồn gốc hóa học sang nguồn gốc sinh học; góp phần từng bước xây dựng nền kinh tế an toàn, tuần hoàn, theo hướng hữu cơ có giá trị gia tăng cao và bền vững. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực và trình độ công nghệ sinh học của tỉnh đạt loại khá của vùng Tây Nguyên trong hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sinh học; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và làm chủ được công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản và chế biến tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh hỗ trợ một số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, hiện đại nhằm mang tính dẫn dắt các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn đạt loại khá của cả nước. Đồng thời, làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn sản xuất tại địa phương. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại ở quy mô công nghiệp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra các nhóm giải pháp để triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, y dược của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn với phát triển công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sinh học.
Mạnh Dũng
Bình luận