Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ sáu, 13/01/2023 03:01
TMO - Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tại Dự án “Hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng các nhà bán lẻ giai đoạn 2021-2025”, tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh đến các mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Dự kiến đến năm 2025, các nông sản chủ lực của tỉnh Hưng Yên được sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 50% quy mô sản lượng; các sản phẩm OCOP (đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao) được sử dụng bao bì nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc dự kiến đạt trên 50% quy mô sản lượng. Sản phẩm làng nghề có sử dụng bao bì nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 25-30% quy mô sản lượng.
Bên cạnh đó, kênh tiêu thụ kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ (hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng): Nông sản chủ lực đạt khoảng 15-20% về quy mô sản lượng; các sản phẩm OCOP (đã có chuỗi liên kết, đạt tiêu chuẩn 3-4 sao năm 2021) đạt khoảng 45-50% quy mô sản lượng; sản phẩm làng nghề (đã được công nhận) đạt khoảng 25-30% quy mô sản lượng. 100% sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử, 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tập huấn kỹ năng về nhận diện nông sản, thương mại điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm với cộng đồng các nhà bán lẻ hiện đại.
Diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thành phố Hưng Yên ngày càng được mở rộng, qua đó nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP từ nhãn của địa phương. Ảnh: V.Thủy
Giai đoạn 2022-2025, dự kiến các đối tượng được hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện, kết nối kênh tiêu thụ với hệ thống bán lẻ gồm: Nhóm nông sản đặc sản, chủ lực: Lúa nếp thơm Hưng Yên, nhãn lồng, vải trứng Hưng Yên, cam, chuối, gà Đông Tảo, bò, lợn, rau an toàn, thủy sản. Nhóm sản phẩm OCOP, tập trung hỗ trợ các sản phẩm đã có chuỗi liên kết và đạt 3 - 4 sao. Hỗ trợ một số sản phẩm làng nghề được công nhận như: Sản phẩm mộc mỹ nghệ; làng nghề hoa, cây cảnh; dược liệu làng Nghĩa Trai, Làng nghề đúc đồng Lộng thượng; Làng nghề hương Cao Thôn.
Để các sản phẩm được nhận diện, mở rộng chuỗi liên kết với cộng đồng các nhà bán lẻ, dự án phấn đấu đến năm 2025, sản lượng lúa nếp thơm được tiêu thụ có sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, có hệ thống truy xuất nguồn gốc chiếm 25-30% sản lượng. Kênh tiêu thụ kết nối với hệ thống bán lẻ đạt khoảng 20-25% sản lượng (4.000 - 5.000 tấn thóc, tương đương 2.500 tấn - 3.000 tấn gạo lúa nếp thơm Hưng Yên/năm). Trong định hướng sản xuất cây ăn quả, đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển, mở rộng thêm 3.000-3.500ha (chuyển đổi từ trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả). Đến năm 2030, diện tích trồng cây ăn quả của toàn tỉnh có khoảng 17.500ha. Diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2025 có khoảng 5.000ha, năm 2030 có khoảng 10.000ha.
Đến năm 2025, sản lượng cây quả đạt tiêu chuẩn được tiêu thụ có sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, có hệ thống truy xuất nguồn gốc chiếm 25-30% sản lượng. Đến năm 2025, diện tích cây ăn quả kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ đạt khoảng 20-25% quy mô diện tích (khoảng 250-500ha). Sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP dự kiến đến năm 2025 có 400-500ha, năm 2030 đạt khoảng 1.000ha. Đến năm 2025, rau VietGAP tiêu thụ có sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, có hệ thống truy xuất đạt khoảng 25-¬30% sản lượng; liên kết với cộng đồng các nhà bán lẻ đạt khoảng 20-25% sản lượng (khoảng 4.800 - 7.200 tấn rau tươi).
Sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm tại tỉnh Quảng Ninh năm 2022
Ngoài ra, dự án còn định hướng các chuỗi liên kết một số sản phẩm OCOP (từ 3 sao trở lên) với cộng đồng các nhà bán lẻ như sản phẩm long nhãn, nghệ, hạt sen, mật ong, trà thảo dược và một số sản phẩm của các làng nghề… nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, kết nối kênh tiêu thụ nhằm quảng bá sản phẩm.
Chương trình OCOP tại Hưng Yên thời gian qua đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững. Tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP phát huy thương hiệu, mở rộng thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 140 sản phẩm OCOP; trong đó có 115 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Sau hơn 3 năm tham gia chương trình OCOP, nhiều nông sản đặc trưng của tỉnh đã được chuẩn hoá, nâng cao chất lượng và đạt giá trị cao. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì đã được nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.
Nguyễn Quỳnh
Bình luận