Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ tư, 08/06/2022 21:06
TMO - Sản lượng cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực ở khu vực này đang là yêu cầu cấp thiết.
Vừa qua, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính tăng 10,4%; lâm sản chính tăng 7,6%; thủy sản tăng 46,3%... Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng trái cây tại các tỉnh phía Nam ước đạt 7,3 triệu tấn trong năm 2022 Ảnh: CK
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chính sách Zero Covid kéo dài tại thị trường này.
Đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Mỹ.
Đến thời điểm này, Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối khi hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.
Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Phía Nhật cũng đã cho phép xuất khẩu vải vào năm ngoái. Hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng.
Theo các doanh nghiệp, để nông sản đặc biệt là trái cây chủ lực thuận lợi trong xuất khẩu thì việc cấp mã số vùng trồng cần được đẩy mạnh triển khai.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật cả nước đã có trên 4.000 mã số vùng trồng với trên 300.000 ha cho các loại hoa quả chính như: chuối, thanh long, nhãn, mít, xoài, chôm chôm… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1.500 mã, chiếm trên 39%. Song song với đó là việc xây dựng mã số đóng gói.
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tạo thuận lợi cho quá trình tiêu thụ trái cây. Ảnh: Việt Quốc
Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long được cấp 932 mã, chiếm 50%.
Theo Cục Trồng trọt, tổng sản lượng cây ăn quả chính phía Nam 6 tháng cuối năm khoảng 4,05 triệu tấn; trong đó quý III là 2,078 triệu tấn, quý IV là 1,972 triệu tấn. Loại trái cây nhiều nhất là thanh long với khoảng 869.000 tấn tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; tiếp đến là chuối với sản lượng 563.000 tấn; sầu riêng với 440.000 tấn; xoài 355.000 tấn…
Để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam trong thời gian tới Cục Trồng trọt đề xuất Bộ NN&PTNT cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm. Xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên các nền tảng logistic hiện đại.
Bộ NN&PTNT cũng cần tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị gia tăng, hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.
Đối với các địa phương, đẩy mạnh liên kết, tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản gắn sản xuất và thị trường đồng bộ, hiện đại; xây dựng các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Khánh Nam
Bình luận