Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ tư, 07/09/2022 11:09
TMO - Xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nước trên địa bàn tỉnh, từ đó để xuất triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nguồn tài nguyên này tại các địa phương.
Theo dự án nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng khai thác, phục vụ quy hoạch và quản lý tài nguyên nước mặt tỉnh Đồng Nai kết quả cho thấy: Trữ lượng nguồn nước mặt khoảng 26 tỷ m3; hiện trạng khai thác khoảng 12.556.000 m3/ngày.
Trữ lượng nguồn nước dưới đất, theo dự án Nghiên cứu điều tra bổ sung, biên hội loạt bản đồ địa chất thủy văn tỉnh Đồng Nai tỉ lệ 1/50.000 và quy hoạch quản lý khai thác, bảo vệ bền vững tài nguyên nước dưới đất, kết quả cho thấy tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá là khoảng 4.900.000 m3/ngày với tổng lưu lương khai thác vào khoảng 1.199.806 m3/ngày.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào với gần 250 sông, suối, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50,8 nghìn ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9,3 nghìn ha.
Tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, nguồn tài nguyên nước là đặc biệt quan trọng, địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn. Hiện nay, Đồng Nai đang cung cấp 136.000 m3 nước/ngày, tỷ lệ các khu công nghiệp, nhà dân sử dụng nước ngầm còn lớn, phải phải tăng cường sử dụng nước mặt thay thế việc sử dụng nước ngầm.
Thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thành phố Long Thành, thành phố Nhơn Trạch dẫn đến dân cư, nhà máy, khu công nghiệp phát triển thì khả năng cung cấp nước của tỉnh phải tăng lên gấp nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, Đồng Nai cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nước với mục tiêu cung cấp khoảng 500.000m3/ngày để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai yêu cầu, các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương; quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ảnh hưởng đến nguồn nước; nếu vi phạm sẽ xử lý.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước được tỉnh đặc biệt chú trọng. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 16/18 hồ thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, có 10/18 hồ đã lập và điều chỉnh quy trình vận hành.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước góp phần khai thác, điều tiết và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Ảnh: Minh Ngọc
Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều sử dụng tràn tự do, không có cửa van điều tiết lũ; Có 10/18 hồ lập quy trình bảo trì; 3/18 hồ đã kiểm định an toàn đập, đang thực hiện kiểm định 3 hồ; 8/18 hồ đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp; 7/18 hồ đã cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ; 6/18 hồ đã lập và thực hiện phương án bảo vệ.
Ngoài ra có 2 hồ đang lập và thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiểm tra, báo cáo hiện trạng, công tác sửa chữa trước, trong, sau mùa mưa lũ hàng năm để đảm bảo an toàn công trình và phục vụ sản xuất.
Để phát huy tối đa hiệu quả giá trị của mặt nước, hồ chứa nước trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ đang được tỉnh Đồng Nai ưu tiên hàng đầu là tăng cường bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt. Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, thời gian qua tỉnh đã đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước mặt.
Theo đó, đối với nước thải công nghiệp, tỉnh yêu cầu 100% khu, cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu đầu tư hệ thống quan trắc tự động và thực hiện giám sát thường xuyên đối với tất cả các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Hiện 31/32 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, gần 80% lượng nước thải công nghiệp được xử lý tại trạm, 25 trạm có quan trắc tự động.
Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp với Sở TN&MT đầu tư hơn 1 nghìn bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các mô hình trồng trọt theo tiêu chí sạch và chăn nuôi khép kín theo tiêu chí an toàn sinh học được khuyến khích nhân rộng nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tiết kiệm nước. Tỉnh chủ trương đầu tư các cụm chế biến nông sản nhằm đẩy mạnh khâu chế biến để gia tăng giá trị và hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế.
Tỉnh Đồng Nai đảm bảo chất lượng nguồn nước xả thải tại các khu công nghiệp, dân cứ hạn chế tác động tới môi trường
Đối với thành phố Biên Hòa, nơi có mật độ sông, suối và dân cư dày đặc, tỉnh thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội ô, ngừng khai thác khoáng sản trên sông. Cùng với đó là đầu tư hàng loạt dự án chống ngập và xử lý nước thải sinh hoạt, gia tăng các điểm quan trắc chất lượng nước mặt để kịp thời phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa ô nhiễm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương đã ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để làm cơ sở cho việc thẩm định cấp phép khai thác nước dưới đất, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất; dự trữ nguồn tài nguyên nước dưới đất góp phần chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên các dự án khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (nước sông Đồng Nai) thay vì khai thác nước dưới đất nhằm mục đích sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt, hạn chế suy giảm mực nước và tài nguyên nước dưới đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đức Mạnh
Bình luận