Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ hai, 19/12/2022 06:12
TMO - Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng đẩy mạnh liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá đặc trưng, Bắc Giang có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng các cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển cây ăn quả, gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng rừng kinh tế. Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đồng thời địa phương này đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Trên 51 nghìn ha vùng cây ăn quả, trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn ha; vùng cây có múi gần 11 nghìn ha, vùng rau an toàn gần 12 nghìn ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng các địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và nhiều tiềm năng về phát triển du lịch...Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. au hơn 4 năm thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh đã có 180 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao, 138 sản phẩm 3 sao, thuộc tốp đầu các tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao (vải thiều Lục Ngạn), Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng; có 01 sản phẩm điểm du lịch nông thôn (Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế).
Thời gian qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung - cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)...
Tuy nhiên thực hiện chương trình còn một số khó khăn như: Nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn; nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ; quy mô sản xuất nhỏ. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn hạn chế, thông tin dữ liệu chưa thể hiện hết, khó khăn cho công tác truy xuất, khai thác thông tin về sản phẩm OCOP phục vụ công tác quản lý và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…
UBND tỉnh chú trọng đến nhiệm vụ nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ảnh: BBG
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng hằng năm. Đồng thời bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP.
Phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hoá tối thiểu 25-30 sản phẩm/năm đạt 3 sao trở lên. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng trên 350 sản phẩm OCOP, trong đó có khoảng 4 sản phẩm 5 sao; trên 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đi đôi với việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ, đặc biệt chú trọng đến việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng hạng sao sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.
Thu Trang
Bình luận